Hun đúc văn hóa đọc cho thiếu nhi

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, không gian đọc dành cho thiếu nhi tại Hà Nội ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức phong phú.

Thông qua mô hình thư viện tại nhà trường, thư viện những ước mơ và phòng đọc thiếu nhi tại các thư viện trên địa bàn TP, những trang sách đang dễ dàng tiếp cận độc giả nhỏ, trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối tình yêu sách của trẻ em Thủ đô.
Sáng tạo không gian đọc

Tại Hà Nội, không gian đọc sách cho trẻ ngày càng đa dạng hơn với nhiều sự lựa chọn tùy theo nhu cầu, lứa tuổi của trẻ, điều kiện của gia đình. Phổ biến nhất là phòng đọc thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội với 2 cơ sở tại 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm và số 2B Quang Trung, quận Hà Đông.
Bên cạnh đó là hệ thống phòng đọc sách tại Trung tâm văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức dành cho các bạn chuyên ngữ với các sách báo, tạp chí, phim, truyện bằng ngôn ngữ sở tại. Phát triển mạnh nhất trong thời gian gần đây là phòng đọc miễn phí do cơ quan, tổ chức thành lập nhằm thúc đẩy văn hóa đọc.
  Thiếu nhi tìm đọc sách tại thư viện ''Dream Plus Library''. Ảnh: Lại Tấn
Ngoài Thư viện Quốc gia, đầu tháng 1/2021, Thư viện “Dream Plus Library” chính thức ra mắt bạn đọc nhỏ Thủ đô tại Thư viện Hà Nội. Dự án đặt tại tầng 4 của Thư viện Hà Nội, với diện tích hơn 400m2 thư viện có phòng đọc mầm non, phòng đọc tiểu học, phòng đa phương tiện, phòng tư liệu văn hóa Hàn Quốc, được thiết kế sinh động, trang thiết bị truyền thông hiện đại, tiện ích để các em nhỏ thoải mái đọc sách, trải nghiệm văn hóa, tri thức.
Với hơn 400 đầu sách, bao gồm cả các bản dịch Tiếng Việt của nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc, độc giả nhí có cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa xứ sở kim chi thông qua các thể loại văn hóa truyền thông đại chúng như Album Kpop, tác phẩm điện ảnh, phim dài tập, phim hoạt hình. Khu vực này được bố trí đầy đủ các trang thiết bị truyền thông hiện đại như ti vi, máy tính, máy chiếu giúp không chỉ các bạn nhỏ mà cả các bậc phụ huynh cũng có thể trải nghiệm và tận hưởng những tiện ích mà “Dream Plus Library” mang lại.

Về quy mô, diện tích, phòng đọc của Thư viện Hà Nội khiêm tốn hơn Thư viện Quốc gia nhưng đều có điểm chung là việc trưng bày sách được thiết kế xinh xắn trên các giá gỗ với những màu sắc bắt mắt; xen kẽ các giá trưng bày là hộc ngồi thư giãn. Ở không gian này, độc giả nhí không hẳn là chỉ ngồi ghế, đặt sách lên bàn đọc như ở lớp học mà có thể ngồi bệt, duỗi chân, thậm chí nằm dài ra sàn để cùng nhau đọc sách, trao đổi, khám phá và thư giãn.
Ở vùng ngoại thành, mô hình điểm “Làng đọc sách Võng Ngoại” (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) ra đời tháng 6/2020 dành cho người dân, nhất là các em thiếu nhi trong làng đã và đang được nhiều địa phương khác học tập, nhân rộng. Mô hình có 3 tủ sách tại 3 địa điểm, mỗi tủ sách có từ 200 đến 300 đầu sách, đầy đủ bàn ghế và môi trường thoáng mát, thuận tiện cho các em nhỏ tiếp cận.

Điểm hẹn của độc giả nhí

Tại các TP lớn, bên cạnh các thư viện tư nhân, nhiều nhà sách cũng phát triển hệ thống không gian đọc của riêng mình như Nhà sách Thái Hà, Hiệu sách Đinh Tị, Nhà sách Cá Chép của Đông A, Nhà sách Nhã Nam, trung tâm sách của NXB Kim Đồng... Nhiều không gian đọc trở thành “điểm hẹn” của độc giả, đặc biệt là thiếu nhi, khi các em được thoải mái lựa chọn sách và có những khu vực đọc rộng rãi, thoáng mát. Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho biết, việc thành lập những mô hình đọc sách hiện đại, thân thiện, độc đáo trước hết để thu hút các em thiếu nhi tham gia trải nghiệm, tiếp cận sách, từ đó giúp các em dần yêu thích và gắn bó với sách.

Thường xuyên đưa con đến các thư viện trên địa bàn Thủ đô vào dịp cuối tuần để đọc sách, chị Nguyễn Kim Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Bên cạnh việc đọc sách trong không gian hiện đại, sạch sẽ, các em nhỏ có thể thực hành thêm một số hoạt động năng khiếu khác tùy theo sở thích như học nhạc, chơi đàn, vẽ tranh, sáng tạo sản phẩm...
Ngoài ra, các em học sinh còn có thể xem các phim hay dành cho trẻ em tại các phòng chiếu riêng. "Sự xuất hiện của phòng chiếu phim tại không gian đọc sách là một kết hợp hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam; tạo nên không gian phức hợp để mỗi trẻ em khi đến đây có thể đọc, nghe, xem và chơi, kích thích sự sáng tạo, tinh thần ham học" - Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần