Phát triển cây ăn quả đặc sản đang là hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.
Hiệu quả kinh tế cao
Từ nhiều năm nay, trang trại trồng nhãn muộn nằm bên Đại lộ Thăng Long của ông Trần Văn Bảy, thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức luôn là điểm đến tham quan, học tập của nhiều nông dân trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh bạn. Bởi đây là một trong những mô hình làm kinh tế nông nghiệp rất hiệu quả hiện nay. Trang trại của ông Bảy có 1.000 cây nhãn muộn cho sản lượng ước khoảng 30 tấn/năm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội sản xuất, kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức cho biết, ông Bảy chỉ là một trong số những nông dân làm giàu hiệu quả từ trồng nhãn muộn của Hội. Theo ông Ích, nhãn chín muộn là cây trồng có chất lượng ngon, năng suất cao, đạt 18 tấn/ha. Hơn nữa, nhãn chín muộn Hoài Đức đã được cấp chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) nên giá bán cao, trung bình 40.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 2,5 lần so với nhãn chính vụ. Bình quân thu nhập từ nhãn chín muộn đạt 700 - 800 triệu đồng/ha.
Trồng nhãn chín muộn tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Ngoài nhãn chín muộn, trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai phát triển nhiều mô hình trồng cây ăn quả có giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng... Hiện, toàn TP có 14.000ha cây ăn quả với sản lượng đạt 960.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ...
Theo đánh giá, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đạt 68,2 triệu đồng/ha, nhiều loại cây đạt hàng trăm triệu đồng/ha. Không những thế, mô hình này còn tạo cảnh quan môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của Hà Nội.
Nâng cao chất lượng
Mặc dù cho hiệu quả kinh tế cao, song việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, sản xuất quả tươi mới đáp ứng 21,4% nhu cầu tiêu dùng toàn TP, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Hơn nữa, diện tích trồng cây ăn quả còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo hướng tự phát, trong khi chất lượng cây giống chưa bảo đảm nên sản phẩm quả không đồng đều về hình dạng, màu sắc và kích thước. '
Ngoài ra, các loại quả sản xuất trên địa bàn Hà Nội chủ yếu bán tươi, ít sơ chế nên chất lượng quả chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.Xác định cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân, từ tháng 3/2012, UBND TP đã thông qua Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016. Trong đó xác định rõ 4 vùng cây ăn quả đặc sản tập trung gồm: Vùng trồng bưởi Diễn tại huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức; nhãn chín muộn tại Quốc Oai, Hoài Đức; chuối cấy mô tại huyện Gia Lâm, Đông Anh; cam Canh tại Thanh Oai và Thường Tín.
Thực hiện đề án này, đến nay, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được 31 mô hình thâm canh, ghép cải tạo cây ăn quả giá trị kinh tế cao tại 21 xã với quy mô 450ha. Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo tiếp tục triển khai hỗ trợ nông dân về giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật.
Đồng thời, hỗ trợ khuyến khích xây dựng hạ tầng sản xuất, thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm quả, không để tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng ra thị trường.
TP Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2016, diện tích cây ăn quả đạt 15.500ha, sản lượng đạt 230.000 tấn. Giá trị sản xuất cây ăn quả tăng 30%, trong đó cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đạt 250 - 300 triệu đồng/ha (so với giá trị sản xuất trồng trọt 102 triệu đồng/ha).