Để nhiều người dân có chốn an cư là mong mỏi, kỳ vọng của Chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng khi học tập, áp dụng mô hình tiết kiệm nhà ở (TKNƠ) từ CHLB Đức vào Việt Nam.
“Sự trợ giúp tập thể”
Để sở hữu nhà, người dân phải có khoản tích lũy lâu dài. Thậm chí tiết kiệm từ đời bố mẹ đến đời con mới đủ để mua một căn hộ. Ở Đức và một số nước châu Âu khác, ý định tiết kiệm này của người dân được hình thành ngay khi họ dự định sinh con. Ngoài ra, tại Đức, người dân cũng có cách làm khác để có thể sở hữu được nhà đó là góp vốn chung để mua. Ví dụ, một người muốn xây, mua nhà nhưng không đủ tiền, mỗi năm họ chỉ có thể tiết kiệm được 1/10 số tiền cần thiết, vì vậy phải mất 10 năm mới đủ tiền. Nhưng nếu 10 người như vậy cùng góp chung một quỹ thì chỉ sau một năm, người đầu tiên đã có đủ tiền để mua, xây nhà nhờ sử dụng thêm khoản tiết kiệm của 9 người kia. Bằng cách làm này, sau 10 năm tất cả mọi người đều có nhà.
Mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản. Ảnh: Hải Linh
|
“Sự trợ giúp tập thể” chính là nguyên lý nền tảng hình thành mô hình TKNƠ - ngân hàng chuyên doanh nhận tiết kiệm và cấp tín dụng vay mua, xây, sửa nhà. Cụ thể, ngân hàng nhận tiền gửi TKNƠ và dùng số tiền huy động được để cho những người tham gia TKNƠ vay cải thiện nhà ở. Ông Christian Oestreich - Tổng Giám đốc thị trường nước ngoài Ngân hàng Bausparkasse Schwabisch Hall (Ngân hàng TKNƠ Đức) phân tích: "Người tham gia TKNƠ sẽ ký kết một hợp đồng dựa trên tổng số tiền họ cần để đầu tư cho nhà ở. Sau đó, thực hiện nghĩa vụ tiết kiệm theo từng tháng hoặc thỏa thuận. Khi tích lũy được khoản vốn tự có nhất định (30 - 50% giá trị căn hộ) sẽ được ngân hàng tất toán toàn bộ số tiền tiết kiệm cùng lãi suất và giải ngân khoản vay. Sau khi được cấp vay tín dụng, hàng tháng người tham gia TKNƠ sẽ thanh toán nợ gốc cùng lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng".
Trước băn khoăn lo ngại về lãi suất này ông Christian cho hay: "Lãi suất của khoản vay được ấn định ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng TKNƠ. Lãi suất này thường thấp hơn lãi suất trên thị trường, không chịu biến động thị trường và được cố định thời gian dài. Thực tế áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, khoản vay đã được hoàn trả trong 8 - 15 năm".
Cần kế hoạch, lộ trình cụ thể
Tại nhiều nước trên thế giới, để khuyến khích người dân tham gia, thúc đẩy thành công mô hình TKNƠ, Nhà nước đều hỗ trợ bằng các khoản thưởng. Khoản này càng cao thì càng có nhiều người tham gia TKNƠ. Tuy nhiên, cách thức thực thi TKNƠ tại mỗi quốc gia sẽ không giống nhau.
Ở Việt Nam, người dân vẫn có tâm lý ngại rủi ro khi đầu tư gửi tiền ngân hàng để hưởng lãi suất. Song, dưới góc độ chuyên gia, nhiều người đánh giá rất cao tính hiệu quả hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà của người dân nếu Việt Nam áp dụng hình thức TKNƠ này. Tuy nhiên, để thực hiện được ở Việt Nam, Nhà nước cần có một kế hoạch, lộ trình cụ thể. Đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận: Nếu chỉ khuyến khích người dân tiết kiệm để mua nhà thì chưa đủ mà cần có một khung pháp lý chi tiết, điều lệ quy định ràng buộc rõ ràng.
"Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan đã đề xuất thêm điều khoản về ngân hàng TKNƠ vào Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chính phủ có những nghị định, hướng dẫn chi tiết về việc thành lập điều lệ, cơ chế hoạt động của hình thức TKNƠ. Đồng thời ổn định và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xây dựng, nhà ở" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Như vậy, nếu áp dụng mô hình TKNƠ tại Việt Nam thực sự sẽ mở ra cơ hội sở hữu nhà cho người dân. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra một thị trường BĐS ổn định, minh bạch và giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước, và bản thân người mua nhà. Ngoài ra, người dân có thể hoạch định được trước tài chính và kế hoạch chi trả cho khoản vay tín dụng mua nhà, đồng thời hạn chế được rủi ro từ lãi suất biến động.
Mặc dù thị trường bất động sản trầm lắng nhưng để sở hữu nhà, người dân phải có một khoản tích lũy lâu dài. Ảnh: Linh Anh
|
"Việc ra đời mô hình TKNƠ sẽ giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước, hạn chế rủi ro nợ xấu. Bởi nó vừa tạo ra dòng vốn mới lâu dài, lại vừa là kênh khuyến khích, nguồn động lực thúc đẩy người dân chủ động nguồn tài chính, tích cực tiết kiệm và trách nhiệm hơn với vấn đề nhà ở của bản thân bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ." - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam |