Hướng phát triển mới cho cây bưởi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội có khoảng 10 giống bưởi đặc sản chất lượng tốt, cho thu hoạch rải vụ.

Khai thác lợi thế thổ nhưỡng để bưởi trở thành cây trồng chủ lực giai đoạn 2019 – 2020, cùng với bổ sung giống bưởi đỏ Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung cải tạo các vườn bưởi già cỗi, ứng dụng công nghệ bảo quản, xây dựng thương hiệu… để mở hướng phát triển mới cho cây trồng này.
Đa dạng giống bưởi chất lượng cao

Hộ ông Nguyễn Đức Thọ, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) đang có thu nhập trung bình 600 - 800 triệu đồng/năm từ vườn bưởi Diễn hơn 1ha. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, ông Thọ đã trồng kết hợp bưởi đỏ Tân Lạc, cho thu thêm hơn 100 triệu đồng/năm. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, sau một số năm trồng thử nghiệm, bưởi đỏ Tân Lạc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của TP; hiệu quả kinh tế trung bình từ 300 - 700 triệu đồng/ha/năm; góp phần giảm áp lực thị trường và đa dạng nguồn sản phẩm trái cây cho người tiêu dùng.
 Sản phẩm bưởi sạch Sóc Sơn được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Ảnh: Ánh Ngọc
Nhận thấy rõ hiệu quả, Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ các vùng sản xuất mới và cải tạo vườn tạp thành những vườn bưởi chất lượng cao hơn như giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân với quy mô 7ha. Trung tâm đã hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư và cây giống là giống đầu dòng hoàn toàn sạch bệnh và bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các hợp tác xã, đơn vị cung ứng giống hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo đảm tỷ lệ cây sống trên 90%. Các công tác quản lý, kỹ thuật thiết kế vườn, nhận biết và phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản đã được đơn vị triển khai tới các vùng bưởi tập trung.

Trong hai năm, 2019 – 2020, Trung tâm vận động các huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển được 123ha bưởi với cơ cấu giống phong phú gồm: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi chua đầu tôm Sài Sơn, bưởi Thồ Bạch Hạ. Do trồng xen nhiều giống bưởi khác nhau nên các vùng bưởi của Hà Nội luôn cho năng suất cao, thời gian thu hoạch dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, đáp ứng yêu cầu rải vụ và tiêu thụ quả.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Để tăng giá trị cho quả bưởi, Trung tâm đã thí điểm việc bảo quản các giống bưởi bằng chế phẩm sáp ong (Palmitomilixilic) và sáp Polyethylene. Phương pháp này không chỉ thay đổi màu sắc vỏ quả bưởi rất ít mà độ brix đều tăng, chất lượng kéo dài hơn so với đối chứng 60 - 90 ngày, tùy từng giống, mẫu mã đẹp, tỷ lệ hao hụt dưới 10%. Theo bà Hoàng Thị Hòa, đây được coi là giải pháp hữu hiệu trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào bảo quản để có thể tiến tới xuất khẩu sang thị trường các nước như sản phẩm nhãn chín muộn. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội có thế mạnh rất lớn về cây bưởi, sản phẩm quả được người tiêu dùng đánh giá cao và đưa vào tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị như Hapro, Vinmart…

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Trung tâm còn chú trọng đến công tác xây dựng nhãn hiệu và tạo dựng thị trường bền vững. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể “Bưởi Tam Vân - Vân Hà” và “Bưởi chua đầu tôm Sài Sơn”, hỗ trợ duy trì và phát triển 2 nhãn hiệu “Bưởi Thồ Bạch Hạ”, “Bưởi sạch Sóc Sơn”, đồng thời giới thiệu quảng bá nhãn hiệu bưởi Hà Nội tới người dân Thủ đô và các tỉnh bạn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội, chuyển đổi sang các cây trồng chất lượng cao, trong đó bưởi là cây trồng được nhiều địa phương chọn lựa. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng những vùng bưởi an toàn, hữu cơ chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và xây dựng các chuỗi sản xuất – chế biến - tiêu thụ bưởi. Cùng với đó, tiếp tục kết nối các tổ, hội, hợp tác xã với các DN nhằm tiêu thụ lâu dài và ổn định cho sản phẩm bưởi.

Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2019 – 2020 đã đạt hiệu quả cao. Hiện, toàn TP có gần 7.700ha trồng bưởi, năng suất đạt 25 tạ quả/ha, sản lượng đạt trên 45.000 tấn/năm, hiệu quả kinh tế đạt trung bình gần 600 triệu đồng/ha/năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần