Đây là cơ hội để các thành viên trong khối tìm giải pháp nhằm hướng tới hội nhập sâu rộng và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.
Bên cạnh đó, các hội nghị có liên quan như Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, Hội nghị Cấp cao về Kỷ niệm 25 năm thành lập quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) cũng tập trung vào quan hệ hợp tác của 10 thành viên ASEAN với các nước đối tác đối thoại. Dự kiến, gần 50 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực sẽ được thông qua trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Sáng 6/9, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký các văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) để các nước Chile, Maroc và Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước này, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 35. Việc tham gia Hiệp ước TAC của các nước ngoài khu vực thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, đồng thời cho thấy vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN ở khu vực và thế giới. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulith trong vai trò Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh, đây là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy những cơ chế hợp tác mới, hiệu quả hơn sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành từ 31/12 năm ngoái. Hội nghị nhất trí cần tiến hành đồng bộ các biện pháp để thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra, trong đó coi trọng việc tăng cường vai trò điều phối của Ban Thư ký ASEAN trong bối cảnh các hoạt động hợp tác ASEAN ngày càng sâu rộng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan ASEAN cũng như ở cấp quốc gia và khu vực. Các lãnh đạo nhất trí tiếp tục dành nỗ lực, quyết tâm cao để triển khai hiệu quả và thực chất các hoạt động hợp tác trong thời gian tới; tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc xử lý những thách thức an ninh ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những nỗ lực của Lào trong việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2016 cũng như trong công tác chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao và cam kết Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Lào và các nước thành viên khác, đóng góp tích cực vào thành công của các hội nghị lần này. Ông Phạm Bình Minh kiến nghị, ASEAN cần ưu tiên xử lý các thách thức an ninh hiện nay như khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, tăng cường năng lực ứng phó, vận hành các cơ chế cảnh báo sớm. Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có các biện pháp thiết thực để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác, nhấn mạnh yêu cầu thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức tại Lào từ 6 - 8/9/2016. |