70 năm giải phóng Thủ đô

Hướng tới mỗi cá nhân được cấp một số định danh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/3, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP)...

Kinhtedothi - Ngày 19/3, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch - dưới góc độ quyền con người" nhằm đánh giá thực trạng thi hành pháp luật liên quan đến hộ tịch, quan điểm và mục tiêu xây dựng nội dung dự án Luật Hộ tịch...

Sẽ cắt giảm 50% thủ tục hành chính

Theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch tuy nhiều, nhưng mới ở tầm văn bản dưới luật, chưa thống nhất nên gây phức tạp, khó áp dụng đối với cả người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch. Pháp luật hiện hành vẫn tồn tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 5 cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, dẫn đến chồng chéo giữa chức năng quản lý và đăng ký hộ tịch. Phương thức đăng ký thủ công, người dân phải xuất trình nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, nơi cư trú khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch. Hiện nay, mỗi người dân đang phải tự lưu giữ, bảo quản khoảng 20 loại giấy tờ đều có số khác nhau dù các loại giấy tờ đều có chung đặc điểm chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch cá nhân (họ và tên; ngày tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc…) gây bất ổn về mặt tâm lý và bất cập khi sử dụng…

 
Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Tú Chi
Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Tú Chi
Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho rằng: Những bất cập, hạn chế trên gây ảnh hưởng đến thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, ảnh hưởng đến chất lượng đăng ký và quản lý hộ tịch, làm giảm hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý Nhà nước và xã hội. Do đó, Dự án Luật được xây dựng với mục tiêu: Tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam. Dự thảo Luật quy định mỗi cá nhân được cấp một mã số quản lý - số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên được lập nhằm mã hóa những thông tin cơ bản trên cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư. Số định danh được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý Nhà nước. Đồng thời, Dự thảo Luật có những quy định mang tính cải cách mạnh mẽ khi cắt giảm từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục khi đăng ký hộ tịch tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí xã hội...

Vẫn còn “lỗ hổng”

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là Dự án Luật lần này có quy định về việc thay đổi giới tính, tên họ trong giấy khai sinh hay các giấy tờ tùy thân cho các trường hợp chuyển đổi giới tính tại nước ngoài hiện nay. Vì có một thực tế là nhiều trường hợp người Việt Nam sang nước ngoài chuyển đổi giới tính nhưng lại không thể sửa lại các giấy tờ tùy thân, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các quyền lợi khác của cộng đồng này như quyền thừa kế…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Khanh cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề chuyển giới, mà Luật Dân sự mới quy định về việc xác định lại giới tính. Vì vậy, hiện việc này vẫn chưa thực hiện được.

Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam Shoko Ishikawa về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho rằng, Dự thảo cần xác định và giải quyết các vấn đề mà phụ nữ, trẻ em, nhóm người đồng giới, chuyển giới... đang gặp phải. Nhóm cộng đồng người đồng tính, chuyển giới cũng cần được quan tâm nhất định trong vấn đề quyền đăng ký hộ tịch như thay đổi tên họ, giới tính và cần có giải pháp cho cộng đồng người này khi thực hiện quyền lợi của mình. Bà Ishikawa cho rằng, cần thừa nhận quyền tự xác định giới tính của các cá nhân phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; cân nhắc đưa ra lựa chọn thứ 3 về giới tính đối với người liên giới hoặc những người chưa xác định được là nam hay nữ.