KTĐT - Giờ tôi đã có con, có một gia đình đúng nghĩa, chuẩn bị đón một cái tết nữa đông đủ cả nhà, chợt nhớ lại những tết xưa
Thấy vợ gọi điện về quê rục rịch hỏi mua hành củ để muối dưa, rồi nhờ mua măng khô nấu canh và gạo nếp ngon gói bánh Chưng... tự dưng lòng tôi xao động. Không khí tết đang ùa vào, len lỏi trong tiềm thức. Nhớ cái tết ngày nào...
Năm tháng qua, cái háo hức cũng theo đó mà trôi dần. Rồi tôi đi làm, năm đầu tiên, công ty mới đang trong quá trình lắp đặt thiết bị. Tôi vốn thư sinh chỉ biết học thì giờ phải vác những tấm bê tông oằn vai để đặt lên cống thoát nước (do tết công nhân về hết, tôi không đành lòng để bừa bộn đành nán lại thu nép cho xong). Chẳng có một đồng thưởng, lương thử việc chỉ vừa đủ ăn và trả tiền thuê nhà cho khỏi “dông”. Thế là tiền đi xe khách về quê, hồi đó có ba mươi nghìn mà cũng không đủ, đành vay anh bạn, chính là người rủ rê tôi đến với mảnh đất lạnh này. Năm ấy đón một cái tết không trọn vẹn, ru rú ở nhà chẳng dám đi đâu.
Cố bám trụ để lấy kinh nghiệm đã neo tôi ở đây thêm một năm nữa, lương khá khẩm hơn nhưng rồi cứ bạn bè tụ tập, thanh niên đi chơi thì bao nhiêu cũng hết. Tết, đúng sáng ba mươi tôi mới có thể ra bến bắt xe ô tô về. Tối mới về đến nhà vì còn bận qua Hà Nội vay tiền đứa bạn ăn tết. Một cái tết khốn khổ nhất trong đời. Để có tiền đi ô tô về Hà Nội tôi phải cho cái xe đạp từ thời sinh viên đi ở trọ rồi nằm hẳn trong tiệm cầm đồ.
Về nhà, trong tay còn đúng tờ 100USD dành để trả nợ ông anh họ nhưng ông ấy đã sang công tác bên Nhật, tôi liền đưa mẹ mua gì thì mua. Ngày ấy sao mà thấy có lỗi với mẹ đến thế. Tưởng tốt nghiệp đại học, đi làm, đỡ đần được gì cho mẹ, đằng này… Ăn miếng bánh chưng mà mắt tôi nhòa đi, mũi thấy cay cay, hương vị tết năm ấy hình như hơi đắng và đã khiến tôi như trưởng thành hơn, biết nghĩ, biết lo toan hơn.
Sau Tết, tôi “bỏ của chạy lấy người” không dám quay lại nơi đó, về nhà an nghỉ một thời gian mới hoàn hồn để làm hồ sơ nộp vào nơi mới.
Tôi vào công ty hiện tại và ổn định cho đến giờ. Miền đất lành này còn se duyên cho tôi với người mà tôi đã trót hẹn nếu có kiếp sau cũng sẽ vẫn cưới nàng.
Tết đầu tiên ấy, trong khi đồng nghiệp đang cuống quýt lo thì tôi đủng đỉnh huýt sáo, vẻ mặt đầy vô can. Mọi người “ngứa mắt” xúm vào hỏi: “Không phải gửi tiền tết cho bố mẹ, biếu bố mẹ vợ và mua quà biếu sếp, biếu ông bà à? Còn tiền mới lì xì cho bọn trẻ nữa…”.
Tôi cười: “Xong rồi. Giờ chỉ chờ đến tết để ăn chơi nhảy múa nữa thôi”. Họ nhìn tôi ngưỡng mộ pha lẫn ghen tị.
Nỗi lo hàng năm ấy của tôi đã được chuyển sang vợ mà vợ tôi thì chu đáo có tiếng. Nàng là người phụ nữ biết lo xa, tính toán mọi việc sao cho hợp lý nhất. Tết đã được nàng lên kế hoạch, cân đối thu chi từ vài tháng trước đó. Vợ đã mang đến cho tôi hương vị tết thật khác, không còn cảnh chạy vạy, túng thiếu.
Giờ tôi đã có con, có một gia đình đúng nghĩa, chuẩn bị đón một cái tết nữa đông đủ cả nhà, chợt nhớ lại những tết xưa, những ký ức không thể thiếu và không thể phai nhòa cho đến ngày hôm nay.
Cầm xấp tiền mới tiêu tết còn mùi dầu mà tôi như thấy in trong đó cả giọt mồ hôi mặn mòi, càng nhớ, càng thấm nhuần những cực nhọc của bố mẹ ngày nào.
Lòng thầm hứa sẽ tự tay chăm cho con mình từng bữa ăn giấc ngủ, vui chơi. Tự tay nâng đỡ con nên người, trưởng thành hơn sau mỗi cái tết. Tôi sẽ làm hết sức mình, chắc chắn là thế!
Tết năm nay, có hương vị ấm...