Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hủy 5 chuyến tàu Thống Nhất trong ngày 3/11 do ảnh hưởng của bão số 11

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 3/11, đoạn đường sắt từ Nha Trang đến Tân Vinh, Phước Lãnh đã có 19 điểm bị ngập, sạt lở và trôi đá.

KTĐT - Đến trưa ngày 3/11, đoạn đường sắt từ Nha Trang đến Tân Vinh và Phước Lãnh đã có 19 điểm bị ngập, sạt lở và trôi đá, nguy hiểm nhất có chỗ ngập sâu tới 5,5m.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận có mưa rất to đã ảnh hưởng nặng nề cơ sở hạ tầng đường sắt, ngày 3/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định hủy 5 chuyến tàu Thống Nhất chạy trên tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Năm chuyến tàu bị hủy bao gồm các tàu mang số hiệu SE1, SE2, SE6, SE8, TN2.

Bên cạnh đó, tại ga Sài Gòn, có 1 chuyến tàu Thống Nhất khác, Tổng công ty chỉ cho chạy từ Sài Gòn đến ga Tuy Hòa rồi quay ngược trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng Ban Kinh doanh vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết từ cuối giờ sáng 2/11, khu vực từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Bình Thuận có gió mạnh, mưa to gây sạt lở đường sắt, đổ cột và đứt dây thông tin tín hiệu... khiến ngành đường sắt phải phong tỏa khu đoạn đường sắt từ Vân Canh đến Hòa Đa từ 20 giờ 30 phút ngày 2/11.

Trên đoạn đường sắt Vân Canh-Phước Lãnh nước xói trôi 1/2 nền đường, sạt lở nền đá dài 35m, nơi sâu nhất 2m. Đặc biệt, có nơi trên đoạn đường sắt này, nước xói trôi toàn bộ nền đường, treo ray dài 35m, sâu 2,5m. Hầm Chí Thạnh đất đá sạt lở tràn lấp 2 đầu hầm. Trên đoạn đường sắt Tân Vinh-Vân Canh, nước ngập trên ray hơn 550mm, dài 470m...

Ông Tuyên cho biết, đến trưa ngày 3/11, đoạn đường sắt từ Nha Trang đến Tân Vinh và Phước Lãnh đã có 19 điểm bị ngập, sạt lở và trôi đá, nguy hiểm nhất có chỗ ngập sâu tới 5,5m. Khu vực Bình Định đến Bình Thuận mưa, bão quật đổ nhiều cột trụ đường dây Thông tin đường sắt, làm mất thông tin điều độ chạy tàu và thông tin liên lạc trên đường dây trần giữa các ga khu vực từ Đại Lãnh đến Diêu Trì.

Theo thống kê của Công ty Quản lý Đường sắt Phú Khánh, khối lượng đất đá sạt lở ban đầu khoảng 3.622m3. Hiện, ngành đường sắt huy động tất cả vật tư, thiết bị và lực lượng cán bộ công nhân viên của các Công ty quản lý đường sắt trong khu vực ảnh hưởng của bão nhằm khôi phục tuyến đường nhanh nhất.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng chỉ đạo Ban Cơ sở hạ tầng phát công điện khẩn yêu cầu tất cả các đơn vị trong khu vực ảnh hưởng của bão tổ chức thực hiện ngay việc kiểm tra, trực, chốt các điểm xung yếu, triển khai phương án đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra khi mưa lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng.

Công ty vận tải đường sắt và các đơn vị liên quan bám sát tình hình, diễn biến của mưa bão, chuẩn bị các phương án phục vụ hành khách, phương án chuyển tải hành khách khi cần thiết./.