Huy động 60.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó bão số 7

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, sau suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn; ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đe doạ nhiều địa phương.

Thông tin tại cuộc họp ứng phó bão số 7 sáng 9/10, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, cơn bão hiện di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Sạt lở gây ách tắc một tuyến đường tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 15-20km/giờ. Đến 19giờ ngày 10/10, vị trí bão trên vùng biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của bão, tại nhiều địa phương ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình những ngày qua đã có mưa to đến rất to. Đợt mưa này dự kiến còn kéo dài cho đến ngày 12/10. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
49 hồ chứa đang phải xả tràn
Tính đến 6 giờ ngày 9/10, các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế. Để bảo đảm an toàn hồ đập, hiện nay có 47 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có hai hồ chứa thuỷ lợi cũng đang phải xả tràn là: Vực Mấu (Nghệ An) và Tả Trạch (Thừa Thiên Huế).
Bước đầu đã ghi nhận thiệt hại về người do bão số 7. Cụ thể, ngày 8/10, bà Hồ Thị Chín (sinh năm 1956) ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) bị lũ cuốn trôi. Hiện, chính quyền địa phương đang tích cực tổ chức tìm kiếm nạn nhân. Tại tỉnh Quảng Trị, tuyến đường ĐT588a đoạn qua địa bàn xã Triệu Nguyên bị sạt lở khối lượng khoảng 200m3; một số tuyến đường liên xã, kênh mương, cống nội đồng cũng bị hư hỏng. Ngập lụt cục bộ xảy ra tại nhiều đoạ phương khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn...
Đến sáng nay (9/10), chưa có địa phương nào quyết định di dời người dân đến nơi tránh trú. Trước đó, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển. Đồng thời, rà soát 4.619 đối tượng trong diện F0, F1 tại 4 tỉnh để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh.
Đề phòng nguy lũ quét, sạt lở đất
Dù bão số 7 đang có dấu hiệu suy yếu, tuy nhiên, trước nguy cơ hình thành của bão số 8 trong khoảng ngày 12 - 13/10, việc chủ động ứng phó vẫn được Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng như các bộ ngành đặc biệt lưu tâm.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu chỉ đạo cuộc họp sáng 9/10.
Hiện, Bộ TN&MT duy trì thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo. Bộ NN&PTNT đôn đốc, phối hợp với các địa phương tổ chức phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa…
Đặc biệt, Bộ Công An đã chỉ đạo một số đơn vị chuyên trách và công an các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình bố trí khoảng 60.000 cán bộ, chiến sỹ; gần 5.000 phương tiện thủy; hơn 1.000 phương tiện bộ; 830 máy phát điện, gần 30.000 phao các loại phục vụ công tác ứng phó với bão số 7.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, diễn biến bão số 7 còn rất phức tạp; cùng với đó là hình thái nguy hiểm của một cơn bão mới sắp vào Biển Đông. Chính vì vậy, tinh thần chung trong ứng phó của các bộ ngành, địa phương lầ tuyệt đối không được chủ quan. 
Bên cạnh an toàn cho các phương tiện tàu thuyền của ngư dân, hiện nay tại các địa phương đang có mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất là rất nghiêm trọng. Do đó, các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư đảm bảo an toàn về người, tài sản, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Để ứng phó kịp thời với sự cố thiên tai do bão số 7, Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường. Đồng thời, duy trì thường xuyên lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần