Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn đang diễn ra trên diện rộng, nguy cơ thiếu điện đã hình thành khi hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có tới hơn 30% nguồn phát là từ thủy điện.
Sẵn sàng mọi nguồn nhiên liệu
Theo thông báo mới nhất của EVN về tình hình cung ứng điện trong thời gian qua cho thấy, hiện, mức nước và lượng nước về của một số hồ thủy điện, nhất là các hồ tại khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo, thời gian tới tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể còn gay gắt, rộng hơn, các tỉnh Tây Nguyên khô hạn có thể kéo dài đến cuối tháng 4/2013, các tỉnh Trung Bộ có thể kéo dài đến tháng 7, tháng 8/2013.
Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đang hoạt động cầm chừng do thiếu nước.Ảnh: Ngọc Hà
Tuy nhiên, trước những thông tin dự báo mùa khô này có thể sẽ thiếu tới hơn 1 tỷ kWh điện, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường khẳng định, đây là lượng điện thiếu hụt do thiếu nước sản xuất điện từ thủy điện và sẽ được bù bằng các nguồn khác, kể cả chạy dầu với giá thành cao để bảo đảm nhu cầu điện trên cả nước. Dự kiến, trong mùa khô sẽ chạy từ 1,2 đến 1,5 tỷ kWh điện từ các nguồn nhiên liệu đắt tiền, với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kWh.
Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), hiện, nguồn nhiệt điện đã huy động tối đa. Song Bộ Công Thương cũng đã có yêu cầu phải cân nhắc thời điểm sử dụng các nguồn điện với nhiên liệu đắt tiền này. Tuy nhiên, trong các ngày nắng nóng vừa qua ở khu vực miền Nam đã phải huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải đang tăng trưởng mạnh. Hàng tuần, A0 đều yêu cầu các đơn vị có tổ máy có khả năng vận hành bằng nhiên liệu dầu phải bảo đảm tổ máy sẵn sàng cao nhất và phải chuẩn bị đủ nhiên liệu dầu để có thể huy động bất kể khi nào hệ thống cần.
Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất Tập đoàn Điện lực Đỗ Mộng Hùng cũng khẳng định, tập đoàn đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho mùa khô này. Mặt khác, theo tính toán ban đầu, kể cả đã xả nước cho các hồ chống hạn và đáp ứng các mục tiêu dân sinh thì năm 2013, hệ thống điện vẫn có đủ khả năng cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống của người dân, nếu không xuất hiện những tình huống quá bất thường.
Sử dụng tiết kiệm là giải pháp lâu dài
Để giảm áp lực tăng sản lượng cũng như giá điện trong dài hạn, thì giải pháp quan trọng, hữu hiệu nhất hiện nay chính là tăng cường các giải pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng.
Hiện Tập đoàn Điện lực đã yêu cầu Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và Tổng Công ty điện lực miền Nam phải tiết kiệm khoảng 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. Các đơn vị điện lực khu vực miền Bắc và miền Trung là 1,5%. Mức tiết kiệm của khu vực miền Nam cao hơn là do nhu cầu điện khu vực này tăng cao, nhưng lại không có nguồn phát điện lớn đưa vào vận hành. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên - là những nguồn phát thường hỗ trợ lớn cho cung ứng điện miền Nam, hiện đang gặp khó khăn.
Như vậy, việc huy động điện từ nguồn phát có giá thành cao tới 4.000 - 5.000 đồng/kWh là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, huy động bao nhiêu, nhiều hay ít nguồn điện giá cao này đòi hỏi sự minh bạch của cả cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất kinh doanh và việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm của người tiêu dùng.
Theo dự báo của EVN, trong tháng 4 này, dự kiến phụ tải hệ thống điện có thể đạt tới 368 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 19.300 - 19.500 MW. Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 4/2013 của EVN là tiếp tục khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước cho mùa khô, mua điện Trung Quốc ở mức hợp lý theo điều kiện tải khu vực và chất lượng điện áp để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân, tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện.
|