Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huy động mọi nguồn lực phát triển Thủ đô “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, 29/7, sẽ diễn ra Lễ công bố và bàn giao cho thành phố Hà Nội Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủphê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ- TTg ngày 26/7/2011.

Đây là sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân Thủ đô và cả nước.Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trả lời phỏng vấn báo Kinh tế&Đô thị xung quanh sự kiện này.

- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Qui hoạchchung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ với riêng Thủ đô mà còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xin Chủ tịch nói rõ hơn ý nghĩa của quyết định này?
 
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Có thể nói đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô. Vì đây là qui hoạch chung đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, sau khi được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII.
 
 Qui hoạch đã được phê duyệt với những nội dung hết sức quan trọng bao gồm tính chất, mục tiêu, xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn, di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Nghĩa là, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại", đô thị phát triển năng động, hiểu quả có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
 
Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mặc dù là một qui hoạch chuyên ngành nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó đưa ra được định hướng về tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội gắn với kết cấu mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để chúng ta triển khai đầu tư phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
 
 Huy động mọi nguồn lực phát triển Thủ đô “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” - Ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo. 
Trong quá trình thực hiện, với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị phối hợp với Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội cũng đã huy động nguồn lực, tập trung trí tuệ để cùng với Bộ Xây dựng, các nhà tư vấn, các chuyên gia triển khai chỉ đạo, tổ chức thiết lập Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô theo đúng qui định, đúng nhiệm vụ thiết kế yêu cầu đề ra. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của các nhà khoa học và đặc biệt trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Quốc hội, Hà Nội và Bộ Xây dựng đã tiếp thu, hoàn chỉnh toàn bộ Đồ án này.
 
Có thể nói đây là những tiền đề rất quan trọng, những cơ sở cả về khoa học lý luận và thực tiễn giúp Hà Nội tới đây phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để phát triển nhanh, bền vững… như mục tiêu nêu trên.
 
- Đồ án Qui hoạch này chính thức được công bố và bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Là một kiến trúc sư, cảm xúc của Chủ tịch ra sao và tới đây theo ông, thành phố phảitiến hành những công việc như thế nào để triển khai Qui hoạch này một cách hiệu quả?
 
Tôi rất vui mừng và xúc động, bởi ý nghĩa to lớn của Đồ án qui hoạch. Có thể nói từ đây sẽ mở ra tiền đề, tạo điều kiện và động lực cho Thủ đô phát huy tiềm năng vàhuy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển nhanh, hiện đại và bền vững…Bởi vậy, ngay sau khitiếp nhận Đồ án Qui hoạch này, thành phố sẽ tiến hành công bố và quán triệt qui hoạch tới tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong thành phố, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin này được phổ biến, phổ cập tới các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành nhằm thực hiện tốt Qui hoạch này. Trong đó, sẽ cho công bố công khai, kể cả triển lãm các mô hình, các sa bàn định hướng phát triển đô thị của Thủ đô trong thời gian tới để thực hiện công khai, minh bạch, để cho các tầng lớp nhân dân và mọi người trong xã hội được tiếp cận với qui hoạch mới, rồi từ đó nâng cao ý thức, nhận thức, chung sức chung lòng thực hiện Qui hoạch này cho đảm bảo như mục tiêu đề ra…
 
Mặt khác, trên cơ sở Qui hoạch chung được phê duyệt, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai qui hoạch các phân khu, qui hoạch chi tiết, qui hoạch chung các huyện thị rồi thiết kế về không gian đô thị, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, làm sao xây dựng Thủ đô Hà Nội thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc.
 
Cùng với Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 6/7/2011), thành phố tiếp tục chỉ đạo, rà soát lại hoặc là xây dựng mới những qui hoạch chuyên ngành và các lĩnh vực, rồi qui hoạch tổng thể phát triển của các quận, huyện và đảm bảo tính thống nhất các qui hoạch tổng thể với các qui hoạch chuyên ngành cũng như Qui hoạch vùng. Đồng thời triển khai lập các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, trung hạn. Căn cứ vào nội dung qui hoạch, thành phố nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện qui hoạch.
 
Thành phố cũng tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt và năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện qui hoạch, Trước mắt, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/ NQ-CP của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô,phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2011 và chuẩn bị kế hoạch cho năm 2012.
 
- Tuy nhiên, để Qui hoạch được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi không chỉ có nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mà còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.Xin Chủ tịch cho biết rõ hơn về vấn đề này?
 
Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước. Có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển vừa qua, Thủ đô luôn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành, Trung ương và các địa phương trong cả nước và sự ủng hộ hợp tác của bạn bè quốc tế. Bởi vậy, để Qui hoạch này triển khai có hiệu quả, trong thời gian tới, Hà Nội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Trên tinh thần đó, thành phố mong muốn tới đây các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn, giúp cho Hà Nội lập các qui hoạch chuyên ngành phù hợp với Thủ đô, cũng phù hợp với tổng thể chung của quốc gia, của đất nước; đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay của Thủ đô. Quan tâm hơn nữa đầu tư xây dựng các công trình, dự án và thực hiện các chương trình của Bộ quản lý ngành trên địa bàn của Thủ đô; hỗ trợ tạo điều kiện cho Hà Nội thu hút được các nguồn lực, các giải pháp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của mình cho việc thực hiện qui hoạch này.
 
Thành phố cũng mong muốn, các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, tới đây tiếp tục phối hợp với Hà Nội thực hiện Qui hoạch vùng sao cho hiệu quả, nhất là trong vấn đề rà soát, sắp xếp, lựa chọn, phối hợp, hợp tác đầu tư để cùng phát triển hiệu quả, bền vững…
 
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ chủ động phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương,tập trung triển khai có hiệu quả Qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Với sự quan tâm và chỉ đạo của T.Ư cũng như sự phối hợp rất tích cực lâu nay của các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước, đặc biệt là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, tôi tin tưởng rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ cóbước phát triển mới, xứng đáng với niềm mong đợi của nhân Thủ đô và cả nước.
 
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!
 
 
Theo qui hoạch, đến 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn/người và nhà ở nông thôn tối thiểu 25m2 sàn/người. Khu vực nội đô, cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mất độ xây dựng và cao tầng, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Kiểm soát qui hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây. Xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng trong các đô thị vệ tinh và các khu vực đô thị mới, để giảm tải cho đô thị trung tâm.