Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2014, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu của huyện ước tăng 9,81% so với năm 2013, trong đó: Công nghiệp, xây dựng tăng 8,82%; dịch vụ tăng 14,71%; nông, lâm, thủy sản tăng 1,9%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 29 triệu đồng/người/năm. Sản xuất nông nghiệp đảm bảo đáp ứng yêu cầu đề ra. Thu ngân sách nhà nước có nhiều tiến bộ, các chỉ tiêu về tổng thu ngân sách nhà nước, trên địa bàn đều đạt và vượt dự toán Thành phố và huyện giao. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất nhỏ lẻ, xen kẹt được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả cao, vượt 121,9% dự toán thành phố giao. Điều hành ngân sách linh hoạt, kịp thời. Văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, một số hạn chế còn tồn tại, đó là tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác dồn điền đổi thửa tại một số xã còn chậm. Công tác quản lý đô thị, thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” kết quả còn hạn chế. Việc thực hiện một số chỉ tiêu văn hóa – xã hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu… Năm 2015, huyện Gia Lâm đề ra mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra. Tập trung rà soát nguồn thu, chủ động tạo nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng, quan tâm quản lý đô thị, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường… Dự kiến năm 2015, thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 483 tỷ đồng; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số hộ thoát nghèo đạt 120 hộ, số trường đạt chuẩn quóc gia tăng thêm 4 trường. Bên cạnh đó, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 750 giấy.