Huyện Mê Linh: Doanh nghiệp có thể linh hoạt chọn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi UBND TP Hà Nội có Chỉ thị số 20/CT-UBND, huyện Mê Linh đã căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, từng bước nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, tạo điều kiện để một số lĩnh vực kinh tế dần khôi phục hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.

Cùng với Sóc Sơn và Đông Anh, huyện Mê Linh được Hà Nội phân vào vùng 2, là khu vực đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, trong đó, có các hoạt động công nghiệp. Hoạt động của các DN trong khu công nghiệp trên địa bàn được huyện Mê Linh đặc biệt chú trọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, vừa qua, lãnh đạo huyện đã làm việc trực tiếp với đại diện 30 DN tại Khu công nghiệp Quang Minh. Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các DN, huyện đã chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các đơn vị duy trì hoạt động.
Nếu như trước đây, các DN trong khu công nghiệp chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 mô hình tổ chức sản xuất là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, thì nay huyện cho phép các đơn vị được áp dụng song song 2 phương thức. Các DN cũng được yêu cầu test Covid-19 đối với công nhân tối thiểu 1 lần/tuần để chủ động phát hiện nguy cơ lây nhiễm.
Công trường xây dựng trường THPT Mê Linh tại huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng.
Riêng đối với phương thức “1 cung đường 2 điểm đến”, huyện Mê Linh linh động hơn khi công nhân được phép ở nhà thay vì phải sinh hoạt tập trung tại một địa điểm do DN thuê. Công nhân các xã, thị trấn sẽ tập trung tại 1 – 2 điểm trên địa bàn sinh sống và DN bố trí xe đưa đón hàng ngày. Đặc biệt, công nhân đang sinh sống tại hai thị trấn: Quang Minh và Chi Đông, đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh được phép đi đi về về hàng ngày.
Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Lê Xuân Thành cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 1.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long và Khu công nghiệp Quang Minh. Hàng ngày, công nhân tập trung tại trụ sở UBND xã và có xe của DN đến đưa đón. Xã cũng tạo điều kiện cho công nhân được gửi xe miễn phí tại khuôn viên của UBND xã. 
Liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, từ trước khi Chỉ thị số 20/CT-UBND được TP ban hành, huyện vẫn cho phép bà con nông dân xuống đồng sản xuất theo phiếu. Hiện, địa phương đang tổng hợp các đầu mối tiêu thụ, gửi Sở Công Thương Hà Nội cấp mã QR Code, hỗ trợ phương tiện vận chuyển nông sản vào phục vụ nội đô, nhất là người dân tại “vùng đỏ”.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng, huyện Mê Linh cũng khởi động việc cho phép các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước do UBND huyện, UBND xã làm chủ đầu tư được phép thi công trở lại. Dù vậy, huyện vẫn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; không tập trung đông người tại một khu vực và tiến hành test Covid-19 hàng tuần cho người lao động.
Theo ông Lê Văn Khương, hiện nay, tập thể lãnh đạo huyện đang tiếp tục xem xét, căn cứ tình hình và diễn biến dịch Covid-19 để cho phép mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh khác như: Hàng quán bán đồ mang về, siêu thị điện máy, cửa hàng tạp hoá… “Sau ngày 10/9/2021, khi hai ổ dịch tại xã Thanh Lâm và Kim Hoa kết thúc phong toả, huyện sẽ quyết định nới lỏng tiếp các quy định về giãn cách xã hội để dần phục hồi kinh tế địa phương…” – ông Lê Văn Khương thông tin thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần