Huyện Mê Linh: Giải bài toán cơ sở vật chất trường học

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện, cơ sở vật chất trường học là rào cản lớn nhất đối với mục tiêu về đích của huyện Mê Linh.

Để giải bài toán này, nếu chỉ chờ vào nguồn lực của địa phương, nhiều khả năng sẽ khó hoàn thành vì những khó khăn trong việc huy động vốn.
Tỷ lệ trường chuẩn mới đạt 69%
Năm học 2018 – 2019, lần đầu tiên 400 trẻ mầm non tại xã Tự Lập được đến trường trong ngôi trường mới khang trang, rộng đẹp. Đây là công trình được UBND huyện Mê Linh đầu tư trên 37,4 tỷ đồng để xây dựng.
Hiệu trưởng trường Mầm non xã Tự Lập Đoàn Thị Hằng cho biết, kể từ khi có trường mới, các em học sinh đã có điều kiện học tập tốt hơn. Không còn cảnh các em nhỏ phải lặn lội đi xa nhiều cây số để đến trường. Đặc biệt, quy mô trường lớp hiện có thể đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ nhỏ trên địa bàn xã trong nhiều năm tới.
 Trường mầm non xã Tự Lập được xây dựng khang trang, rộng đẹp
Trường Mầm non xã Tự Lập là công trình mới nhất được hoàn thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Trước đó, từ khi thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, huyện Mê Linh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp tiêu chí cơ sở vật chất trường học.
Đến trước thời điểm trường Mầm non xã Tự Lập được khánh thành, một loạt trường học thuộc 3 cấp trên địa bàn huyện cũng đã được đưa vào sử dụng. Điển hình như trường Mầm non xã Tam Đồng, trường THCS xã Chu Phan, và một loạt trường tiểu học ở các xã Chu Phan, Thanh Lâm, Tự Lập và Hoàng Kim.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Bùi Văn Công, đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện là 50/73 trường, đạt gần 69%. Trong đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn ở cấp mầm non là thấp nhất với 57%, tiếp đến là cấp THCS gần 64%, và cuối cùng, đạt cao nhất là cấp tiểu học với 80% số trường đạt chuẩn.
Trăn trở bài toán vốn
Thống kê đến hết quý I/2019, toàn huyện Mê Linh đã có 14/16 xã về đích nông thôn mới. Hai xã còn lại trong kế hoạch về đích là Tự lập và Tam Đồng. Điều đáng nói, cơ sở vật chất trường học là một trong số những tiêu chí mà cả hai địa phương trên đều chưa đạt. Xét trên bình diện toàn huyện, hạ tầng giáo dục cũng là tiêu chí huyện Mê Linh chưa đạt trong tổng số 9 tiêu chí đánh giá “Huyện nông thôn mới” theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để nâng cao tiêu chí cơ sở vật chất trường học, tính từ khi triển khai giai đoạn 2 Chương trình số 02 đến nay, UBND huyện Mê Linh đã bố trí trên 633 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo tổng số 39 trường học thuộc 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Đáng chú ý, con số này chiếm xấp xỉ 1/2 tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của toàn huyện là hơn 1.297 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, nhằm hoàn thành mục tiêu có 100% số xã về đích nông thôn mới trong năm 2019, địa phương cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi, nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công để nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học lại rất hạn hẹp. Do đó, chính quyền và Nhân dân địa phương rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các quận, đặc biệt là trong việc hỗ trợ 2 xã Tự Lập và Tam Đồng, hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trường học.
Theo chia sẻ của ông Quang, hai xã nêu trên cần đầu tư, nâng cấp 4 trường học, với tổng kinh phí trên 166 tỷ đồng. Cùng với nhiệm vụ trên, huyện cũng kiến nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, đầu tư 3 trường THPT Tự Lập, Mê Linh và Tiền Phong đạt chuẩn, bảo đảm trong năm 2019, toàn huyện có 4/6 trường đạt chuẩn quốc gia. Đây sẽ là điều kiện đủ để Mê Linh về đích “Huyện nông thôn mới”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần