Huyện Mỹ Đức phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/8, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức tổ chức diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông”.

 Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức cho giá trị kinh tế cao.
Tại diễn đàn, gần 70 câu hỏi của các chủ trang trại, nông dân với nội dung chủ yếu đề cập đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi như: Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, áp dụng kỹ thuật nâng cao năng suất cây ăn quả, phòng trị một số bệnh thường gặp trên lợn, gà... đã được các chuyên gia nông nghiệp đầu ngành giải đáp đầy đủ, chi tiết, dễ hiểu.
Mỹ Đức là huyện thuần nông và đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng rất mạnh mẽ. Hiện, toàn huyện Mỹ Đức đã chuyển đổi được 1.647ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất chăn nuôi, thủy sản, trồng cây ăn quả có hiệu quả, xây dựng 2 mô hình điểm 5ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại xã An Mỹ, khu trồng cây ăn quả tập trung 20,2ha tại xã Đại Hưng. Việc đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đã tăng giá trị sản xuất trên mỗi hécta từ 2 - 3 lần với cấy lúa. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đẩy mạnh đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong những năm tiếp theo, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng trong định hướng phát triển nông nghiệp, Mỹ Đức ưu tiên các mô hình sản xuất mới, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất theo hướng an toàn. Từ đó, từng bước xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, hình thành nếp sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững cho nông dân. Bên cạnh đó, Mỹ Đức cũng chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực của địa phương như lúa gạo, thủy sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần