Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyền Như nhận tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận đã lừa đảo chiếm đoạt của các cá nhân, tổ chức, công ty số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Bị cáo cũng thừa nhận bản án sơ thẩm quy kết đúng tội danh.

Ngày 16/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. Đây là ngày thứ hai, Tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo trong vụ án, thẩm vấn Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng…

 
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/12.        Ảnh: Thuận Thắng
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/12. Ảnh: Thuận Thắng
 HĐXX tập trung thẩm vấn về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Huyền Như. Tại tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận đã lừa đảo chiếm đoạt của các cá nhân, tổ chức, công ty số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Bị cáo cũng thừa nhận bản án sơ thẩm quy kết đúng tội danh. Bị cáo khai, làm việc tại VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh từ năm 2001, đến năm 2011 được bổ nhiệm làm Phó phòng quản lý rủi ro với chuyên môn chuyên ngành tiền tệ tín dụng. Bị cáo cũng thừa nhận, không có quy định việc ngân hàng thông qua cá nhân, tổ chức khác đi gửi tiền vào ngân hàng khác để hưởng lợi. Đối với việc huy động tiền của các ngân hàng, bị cáo khẳng định là hoàn toàn sai trái.

Về chuyên môn, bị cáo cho biết, có sự khác nhau giữa 2 tài khoản: Tài khoản thanh toán - khách hàng dùng tài khoản để thanh toán; còn tài khoản tiết kiệm là gửi tiền để hưởng lãi suất. Khách hàng có tiền gửi thì có quyền mở tài khoản tiết kiệm, các tổ chức, cá nhân không có quyền mở tài khoản tiết kiệm. 2 loại tài khoản này có 2 văn bản quy định khác nhau là 1284 và 1160 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Để làm rõ 2 vấn đề về sự khác nhau giữa tài khoản tiền gửi thanh toán, tài khoản tiết kiệm và việc các tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền ủy thác tiền gửi cho nhau hay không, Chủ tọa phiên tòa mời đại diện các ngân hàng ACB, VietinBank, NaviBank trả lời về vấn đề này. Đại diện ACB cho rằng, giữa tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm có sự khác nhau về chủ thể, lãi suất. Việc ủy thác tiền gửi, ACB cho rằng: Luật Các TCTD năm 2011 quy định các TCTD có thể gửi tiền cho nhau thông qua hệ thống liên ngân hàng.

Nói về sự khác nhau giữa 2 tài khoản, đại diện VietinBank xác nhận như trả lời của bị cáo Huyền Như và đại diện ACB, là 2 loại tài khoản này có sự khác nhau. Theo đại diện VietinBank, tại thời điểm Huyền Như phạm tội, không có quy định nào cho phép 2 ngân hàng thông qua trung gian để gửi tiền cho nhau… Đại diện NaviBank khẳng định: Giữa các TCTD được phép gửi tiền qua hệ thống liên ngân hàng. Đại diện ngân hàng này cũng cho rằng, việc ủy thác thông qua cá nhân của ngân hàng thì pháp luật không cấm, về 2 tài khoản là có sự khác nhau.

Trước những tranh luận của đại diện một số ngân hàng, đại diện NHNN cho biết, theo quy định của NHNN, tài khoản tiết kiệm chỉ quy định cho cá nhân, còn tài khoản tiền gửi bao gồm cả tổ chức và cá nhân… HĐXX đặt câu hỏi: Các TCTD có được phép gửi tiền và ủy thác tiền gửi không, đại diện NHNN đưa ra hàng loạt văn bản cụ thể về vấn đề này và khi HĐXX đề nghị đi vào trọng tâm thì vị đại diện không trả lời.

Tiếp tục thẩm vấn về quy trình, thủ tục đối với 2 loại tài khoản tiền gửi và tài khoản tiết kiệm, bị cáo Huyền Như cho biết: Để có tài khoản tiền gửi phải có đăng ký kinh doanh, chữ ký, con dấu pháp nhân…; còn tài khoản tiết kiệm thì cá nhân chỉ cần có CMND, chữ ký mẫu. Vấn đề này, đại diện VietinBank cho rằng, tại ngân hàng này, thủ tục mở 2 tài khoản theo 2 trình tự khác nhau. Trong quy định của VietinBank cũng có 2 mẫu giấy mở các loại tài khoản này. Các phê duyệt thì chỉ cần có giao dịch viên và kiểm sát viên là đủ, tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, khách hàng có yêu cầu thì mới trình lên lãnh đạo cao hơn.

Đối với việc sử dụng 2 loại tài khoản, bị cáo Như cho biết, chủ tài khoản được quyền sử dụng tài khoản của mình. Theo nguyên tắc là tiền của khách hàng thì khách hàng có quyền sử dụng và có quyền yêu cầu ngân hàng kiểm tra số dư tài khoản; được quyền thông báo của ngân hàng về sai sót trên tài khoản. Còn ngân hàng thì phải thực hiện các lệnh của chủ tài khoản. Khi ngân hàng nhận được lệnh chi của chủ tài khoản thì giao dịch viên kiểm tra con dấu, chữ ký đăng ký theo hồ sơ tài khoản. Khi giao dịch viên chấp nhận thì kiểm sát viên ký và duyệt thì lệnh có hiệu lực. Đối với việc lệnh chi bị sử dụng chữ ký giả, bị cáo Huyền Như cho biết, bằng mắt thường rất khó phát hiện.

HĐXX thẩm vấn bị cáo Huyền Như về hạch toán tiền trong sổ sách của ngân hàng. Bị cáo khai, quyền quản lý và sử dụng tiền vẫn là quyền của khách hàng, còn ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ trung gian. Vấn đề đưa tiền vào hoạch toán sổ sách, bị cáo cho biết, vì đã lâu nên không nhớ rõ. HĐXX đã mời đại diện NHNN để làm rõ vấn đề này… Về việc chuyển tiền của khách hàng vào tài khoản thanh toán, bị cáo Huyền Như cho biết, do có ý định chiếm đoạt từ trước nên việc chuyển tiền từ tài khoản thanh toán dễ dàng hơn trong việc thực hiện các lệnh chi.

Hôm nay (17/12) Tòa tiếp tục làm việc.