Tạo cơ hội quảng bá sản phẩm
Nhằm khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống, sáng 23/10, UBND huyện Phú Xuyên đã tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ II - 2014 tại sân vận động huyện với chủ đề "Phú Xuyên lung linh sắc màu ngày hội".
Lễ cắt băng Khai mạc Lễ hội làng nghề Phú Xuyên. Ảnh: Trường Đạt
|
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ cho biết: Phú Xuyên có 156/156 thôn, làng, cụm dân cư có nghề phi nông nghiệp, trong đó gồm 72 làng nghề tiêu biểu, 39 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Trải qua thăng trầm của lịch sử, các làng nghề Phú Xuyên đã khẳng định được vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ hội nhập, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, toàn huyện Phú Xuyên có 156 làng, cụm dân cư có nghề, chiếm 100%; có 72 làng nghề được duy trì và phát triển (9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 6 làng may mặc, 6 làng da giày, 6 làng thủ công mỹ nghệ, dệt tơ lưới, 5 làng chế biến thực phẩm…). Trong đó có 39 làng nghề truyền thống được TP công nhận. Số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) năm 2014 có 22.277 hộ, chiếm 38,06%. Số lao động sản xuất TTCN là 38.853, chiếm 35,8%. Giá trị sản xuất TTCN làng nghề năm 2014 đạt 2.699,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2013 (2.485 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 63,7% tổng giá trị sản xuất, tạo giá trị gia tăng 926 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 53,9% giá trị gia tăng toàn huyện). Thu nhập bình quân của lao động nghề năm 2014 là 27 triệu đồng (năm 2013 là 25,3 triệu đồng). Sản xuất làng nghề phát triển giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên năm 2014 được tổ chức với quy mô hoành tráng. Đặc biệt, Ban Tổ chức lễ hội năm nay đã dành hơn 7.000/20.000m2 sân vận động làm nơi trưng bày các gian hàng triển lãm và giao thương theo các chủ đề như: "Phú Xuyên - Các làng nghề truyền thống", "Phú Xuyên - Hội nhập và phát triển", "Phú Xuyên - Giao lưu với các tỉnh bạn và các gian hàng Hà Nội đặc trưng". Trong Lễ hội vinh danh lần thứ nhất, Ban Tổ chức đưa ra các gian hàng cho từng hộ gia đình thì tại lễ hội lần này, 7 xã nghề truyền thống gồm: Khảm trai Chuyên Mỹ, tò he Phượng Dực, may Vân Từ, giày da Phú Yên… được bố trí ở một khu vực triển lãm đặc biệt. Ngoài ra, còn có 16 gian hàng được sắp xếp để giao lưu với gian hàng các huyện bạn, 50 gian hàng tinh hoa Hà Nội theo phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", gian hàng của các hộ gia đình… Tổng cộng lễ hội năm nay có khoảng 200 gian hàng.
Gắn làng nghề với phát triển du lịch
Trong không khí tưng bừng của lễ hội, sáng 24/10, theo ghi nhận của phóng viên, hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã đến tham quan và mua sắm sản phẩm. Chị Đỗ Thị Lan, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa cho biết: "Khi biết Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống, tôi đã tới tham dự từ sớm. Tham quan các gian hàng, tôi thấy các sản phẩm được trưng bày trong Lễ hội có mẫu mã phong phú, đẹp và chất lượng. Tôi đang tham khảo, tìm hiểu để mua bàn ghế và tủ quần áo".
Tại lễ hội, nghệ nhân Đỗ Văn Hưng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên chia sẻ: Trong lúc kinh tế đang suy thoái, mặt hàng mà chúng tôi sản xuất tiêu thụ rất hạn chế, nên qua lễ hội này, không những sản phẩm của thôn mà của cả huyện và TP được giới thiệu rộng rãi. Chúng tôi cũng hy vọng du lịch và làng nghề có sự kết nối chặt chẽ để sản phẩm thủ công truyền thống thêm cơ hội đến với du khách, văn hóa làng nghề được quảng bá rộng rãi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Du khách xem các sản phẩm thủ công làng nghề Phú Xuyên.
|
Nghệ nhân Chu Tiến Công - Phó Chủ tịch làng nghề tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên khẳng định: Dù tuổi đã cao, nhưng chúng tôi vẫn liên tục truyền dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian, để làm sao giữ được nét đẹp văn hóa và chất nhân văn. Chúng tôi cũng rất mừng vì tò he đã được đưa vào bộ sách giáo khoa giảng dạy ở nhà trường…
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu cho hay: Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng nghề của huyện với du khách và người dân trong và ngoài địa phương. Đến lễ hội, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng nét tài hoa từ tay nghề của những nghệ nhân làng nghề truyền thống, được tự tay thực hiện sản phẩm dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân. Du khách còn được thưởng thức hương vị tuyệt vời của ẩm thực Hà thành xưa qua bàn tay của những đầu bếp tài ba, được trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm làng nghề truyền thống tinh tế, những món quà lưu niệm độc đáo…