Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phú Xuyên: Nâng tầm thương hiệu làng nghề

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để khẳng định vai trò, vị thế nghề thủ công truyền thống của địa phương, những năm qua, chính quyền các cấp huyện Phú Xuyên đã quan tâm quy hoạch, xây dựng các cụm điểm công nghiệp làng nghề, còn người dân đồng lòng tạo ra những sản phẩm tốt, mẫu mã đa dạng, có sức cạnh tranh.

Thúc đẩy phát triển kinh tế
Phú Xuyên là huyện có nhiều làng nghề được hình thành từ hàng trăm năm như đan cỏ tế xã Phú Túc, khảm trai xã Chuyên Mỹ, nặn tò he xã Phượng Dực... Những năm gần đây, các làng nghề đã tạo ra sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng biệt, tìm được thị trường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Một số sản phẩm mây giang đan được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất khẩu ở doanh nghiệp Phú Tuấn, xã Phú Túc, 

huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt

Phát huy thế mạnh là huyện có nhiều làng nghề để quảng bá giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XXIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Chương trình số 05-CTr/HU về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2015 - 2020. Từ đây, UBND huyện đã tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai xây dựng thương hiệu và tuyến du lịch cho các làng nghề.

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Phú Xuyên giai đoạn 2008 - 2017 đạt 5,36% năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2017 cao gấp 5,56 lần so với năm 2008, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. " - Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Xuyên Trương Đại Dương

Tính đến nay, huyện có 156/156 làng, cụm dân cư làm nghề, chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển. Trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày; 40 thôn được TP công nhận làng nghề; 497 công ty, DN, 6 HTX công nghiệp, 3 hiệp hội hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề. Hiện, toàn huyện có 24.500 hộ sản xuất TTCN, với 39.939 lao động, chiếm 37,3%. Giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, làng nghề ngày một phát triển góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát huy thế mạnh du lịch

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi phấn khởi cho biết: Thời gian qua, sản xuất công nghiệp - xây dựng từng bước tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế tăng từ 51% năm 2008 lên 66,05% năm 2017. Tính đến giữa năm 2018, số làng nghề của huyện tăng 32 làng so với năm 2008. Trong đó, số làng được công nhận làng nghề truyền thống tăng từ 37 làng năm 2008 lên 43 làng năm 2018. Số lượng làng nghề ngày một tăng đã giúp giải quyết việc làm cho lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận. Nhờ có làng nghề, đời sống Nhân dân được cải thiện, đẩy lùi số hộ nghèo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, thời gian qua, UBND huyện cùng các cơ quan, DN gấp rút hoàn thiện đưa vào hoạt động khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội rộng gần 80ha và 3 cụm công nghiệp làng nghề xã Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên. Cùng với đó, 11 xã đã bố trí được 227,78ha đất để quy hoạch thêm 19 cụm công nghiệp làng nghề. Đây được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch làng nghề. “Nhờ có sự quan tâm của TP và huyện trong việc đầu tư vào du lịch làng nghề giúp số lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại làng nghề ngày một tăng. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã thu hút trên 300 đoàn khách trong và ngoài nước với gần 6.000 lượt người đến tham quan, mua sắm các sản phẩm làng nghề” - ông Sơn cho biết.