Điển hình khai thác kinh tế từ nơi chôn rác thải ở Thạch Thất

Thu Thủy - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân ở Thạch Thất đã hình thành và phát triển mô hình chuyển đổi từ những diện tích trũng, khó canh tác... sang mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đỗ Thế Cường, trú tại xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) là điển hình trong việc chuyển đổi bãi rác thải thành mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Ông Cường cho biết, trước đây, khu Đồng Na - Hũng Bầu, xã Hương Ngải có 3 cái nhất: Xấu nhất, sâu nhất và bẩn nhất. Đây là nơi không ai dám đặt chân đến và không ai dám nhận chuyển đổi vì là chỗ chôn rác thải của xã, có độ sâu tới 14m, rộng hơn 4.000m2.
Nhiều mô hình kinh tế chuyển đổi hiệu quả tại huyện Thạch Thất (Ảnh: Thu Thủy).
Tuy nhiên, với tình yêu quê hương, yêu lao động và niềm đam mê với nông nghiệp, từ năm 2013, được sự đồng ý của xã Hương Ngải, ông đã tích tụ ruộng đất, mạnh dạn cải tạo khu bãi rác và các diện tích liền kề, với tổng diện tích khoảng 18.000m2 chuyển đổi thành mô hình trang trại VAC.
Trên diện tích chuyển đổi, ông Cường dùng khoảng 7.000m2, trong đó có 4.000m2 hố chôn rác để làm ao nuôi cá. Năm 2015, gia đình ông được Trung tâm giống thủy sản Hà Nội chọn triển khai mô hình nuôi cá lăng an toàn thực phẩm, quy mô 3.000 con. Tham gia mô hình ông được hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật.
Ngoài nuôi cá lăng, ông Cường còn nuôi các loại cá ở các tầng nước khác nhau để tận dụng nguồn thức ăn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ kỹ thuật đã được chuyển giao, đến nay, ông vẫn áp dụng nuôi cá theo hướng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng cám công nghiệp mà sử dụng các thức ăn tự nhiên như rau cỏ, thóc, ngô ủ mầm.
“Tôi đã từng đi xem rất nhiều các mô hình, họ nuôi cá bằng công nghiệp, đúng là con cá rất nhanh lớn nhưng khi bán ra thị trường trừ tiền cám thì lãi không còn bao nhiêu. Nên tôi cho ăn tự nhiên: cỏ, cây… ở vườn cá vẫn lớn, mặc dù có thể chậm hơn nhưng hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn vì không phải đầu tư cám công nghiệp, cho ăn tự nhiên thì sẽ đưa ra được sản phẩm sạch” - ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, trên diện tích chuyển đổi, ông trồng hơn 400 gốc bưởi Diễn, mít Thái, nhãn muộn và một số cây ngắn ngày như chuối, đu đủ… và nuôi một số loại gia cầm lấy trứng, nhân giống. Đặc biệt, ông quy hoạch một khu vực để trồng và kinh doanh lan rừng.
“Những cây lan đột biến có giá lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng với quan điểm của tôi, để cho tất cả mọi người đều có điều kiện để chơi lan thì tôi thích trồng những loại cây hợp với túi tiền của người dân, như chỉ cần bỏ ra 500.000 - 1.000.000 đồng là có thể mua được một giỏ lan đẹp, thế nên tôi đã chọn trồng lan rừng. Mô hình này mỗi năm lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng” - ông Cường nói.
Chủ tịch Hội nông dân huyện Thạch Thất Khuất Khắc Sơn cho biết, thời gian qua, các phong trào làm kinh tế giỏi của nông dân trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều. Qua bình xét huyện đã có trên 43.700 lượt hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
“Trong 5 năm đã có gần 71.600 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian tới, các cấp hội nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh chất lượng phong trào liên hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm” - ông Sơn cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần