Chính vì vậy, nếu không tích cực bám sát mục tiêu, rất có nguy cơ huyện sẽ bị tụt lại phía sau trong chặng đường về đích NTM.
Loay hoay tìm vốn
Là một trong những ngôi trường mới được đưa vào hoạt động, trường Mầm non xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai như một điểm nhấn quan trọng của chương trình xây dựng NTM tại địa phương. Từ 7 điểm trường nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, với nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, đến nay, trường Mầm non xã Dân Hòa đã được đầu tư khá khang trang, phục vụ dạy và học cho 700 học sinh. Mặc dù vậy, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Dân Hòa Trần Thị Ninh vẫn chưa hết băn khoăn, bởi bình quân số trẻ trên lớp còn đông, phải xây dựng thêm 4 phòng học nữa mới đảm bảo chuẩn theo quy định.
Không riêng gì xã Dân Hòa, tiêu chí trường học đang là vấn đề hết sức nan giải của huyện Thanh Oai. Theo thống kê, toàn huyện có 69 trường công lập, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có 3/20 xã đạt chuẩn về tiêu chí trường học, chiếm tỷ lệ 15%. Trên thực tế, nguồn lực để xây dựng trường học của các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai vẫn còn khá bị động. Đơn cử, xã Liên Châu được quận Thanh Xuân hỗ trợ xây trường mầm non trị giá 36 tỷ đồng, xã Đỗ Động được quận Ba Đình hỗ trợ 20 tỷ đồng xây dựng trường THCS. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Động Trần Đình Tuyến cho biết, hai cấp học còn lại là tiểu học và mầm non vẫn tiếp tục phải đầu tư mới đạt chuẩn.
Ngoài trường học, nhiều tiêu chí liên quan đến hạ tầng cơ sở như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa hay nhóm tiêu chí về y tế, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập của huyện Thanh Oai cũng mới đạt ở mức trung bình khá. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2016 đến hết tháng 6/2017, tổng nguồn vốn huy động được của Thanh Oai mới đạt khoảng 600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước (chiếm 61%).
Nguy cơ tụt lại
Đến nay, huyện Thanh Oai mới có 10/20 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 50%. Con số này còn khiêm tốn so với nhiều địa phương khác và mặt bằng chung của TP (66,06%). Năm 2017, huyện Thanh Oai phấn đấu đưa 4 xã Thanh Thùy, Kim An, Đỗ Động và Liên Châu về đích NTM, song thực tế kết quả đạt được cũng chưa mấy khả quan. Điều đáng nói, theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, nguồn lực từ ngân sách các xã hầu hết trông chờ vào đấu giá đất. Tuy nhiên, ở một số xã xa trung tâm huyện và những vị trí đã quy hoạch đấu giá đất nhưng không gần đường giao thông lớn nên việc tổ chức đấu giá đạt hiệu quả thấp.
Rõ ràng, nếu không tìm ra lời giải cho bài toán nguồn lực cũng như biện pháp hoàn thiện các tiêu chí NTM, rất có thể Thanh Oai sẽ là địa phương tụt lại phía sau trong kế hoạch về đích NTM của toàn TP. Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, đối với 4 xã đăng ký về đích năm 2017, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, chấm điểm từng tiêu chí, làm rõ những tiêu chí cần phải phấn đấu để sớm đạt chuẩn. Đối với tiêu chí y tế, huyện đã giao cho các đoàn thể vào cuộc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với đó, huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn, phấn đấu cuối năm 2017 số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 50%.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, huyện Thanh Oai đề nghị TP quan tâm đầu tư nâng cấp một số dự án giao thông của huyện đang bị xuống cấp và tạo điều kiện cho phát triển giao thông các tuyến đường Tỉnh lộ 427, mở rộng Quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài. Đồng thời sớm cấp kinh phí hỗ trợ các xã thực hiện các dự án thành phần của chương trình xây dựng NTM.
“Các tiêu chí còn lại ở 4 xã phấn đấu về đích NTM của huyện Thanh Oai trong năm 2017 đều cần nhiều kinh phí. Do đó huyện cần tập trung, quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu đề ra”. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương |