Huyện Thanh Oai: Khu giết mổ gia cầm còn dang dở đến bao giờ?

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tình trạng mất vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn từ các...

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tình trạng mất vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn từ các hộ làm nghề mua bán, giết mổ hàng nghìn con gà công nghiệp (gia cầm) diễn ra mỗi ngày làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Biết là vậy, nhưng người dân nơi đây vẫn đành phải chấp nhận...

Dân khổ vì dự án chậm

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 406-TTg, ngày 8/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán, đốt pháo, hàng trăm hộ dân xã Bình Minh chuyển sang nghề giết mổ gia cầm. Xã Bình Minh có 10 thôn, với hơn 4.000 hộ, hiện có khoảng 220 hộ làm nghề giết mổ gia cầm ở tại khu dân cư thôn Chằm, Thượng, Chợ, Chua, Đìa, Dộc. Hàng ngày, từ 1 - 6 giờ sáng, đi đâu trong xã cũng nghe thấy tiếng gà kêu cùng tiếng loảng xoảng của xô, chậu và tiếng băm chặt, phân loại thịt, đầu, chân, cánh. Lòng gà được bán cho các hộ nuôi cá, lợn. Lông gà được thu gom bỏ ra bãi rác ven QL21B.
Chợ gia cầm tại xã Bình Minh nằm ven Quốc lộ 21B. Ảnh: Công Tâm
Chợ gia cầm tại xã Bình Minh nằm ven Quốc lộ 21B. Ảnh: Công Tâm
Nước thải được tống thẳng xuống cống, rãnh. Tất cả công đoạn sơ chế gà đều được thực hiện một cách thủ công ngay dưới nền nhà. Vào buổi chiều, từ 15 - 20 giờ, các tuyến đường trong xã lại nhộn nhịp bởi hàng trăm xe ô tô tải, xe ba bánh và xe máy chạy rầm rập vận chuyển, giao bán gà sống ngay trong khu dân cư dẫn đến cảnh thường xuyên UTGT.

Người dân địa phương cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UTGT, thực phẩm được đảm bảo, năm 2009, UBND huyện Thanh Oai lập quy hoạch xây dựng khu giết mổ gia cầm tập trung tại xứ đồng Mới thuộc thôn Thượng, thôn Chằm với diện tích 4,4ha ở cách xa khu dân cư, giao cho Ban quản lý dự án (DA) làm chủ đầu tư. Năm 2014, DA được khởi công xây dựng. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay, DA mới cơ bản hoàn thành các hạng mục như xây tường bao, làm đường giao thông nội bộ, xây cống thoát nước, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng. Còn các hạng mục xây khu xử lý nước thải, xây các dãy nhà cầu, ki ốt, nhà điều hành, trạm cấp nước chưa được thực hiện.

Vẫn tiếp tục chờ

Chủ tịch UBND xã Bình Minh Nguyễn Duy Nhu khẳng định, do chưa hoàn thành DA nên người dân vẫn phải giết mổ gia cầm tại khu dân cư làm ảnh hưởng đến đời sống là không thể tránh khỏi. Xác định nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh là rất cao nên UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành và UBND xã phối hợp kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập gia cầm sống. Ông Nhu đề nghị: “Để xử lý các hộ trong xã làm nghề buôn bán, giết mổ gia cầm đang từng ngày gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn là rất khó. Bởi công việc trên đã gắn bó, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân từ khi chuyển nghề sản xuất pháo sang giết mổ gia cầm. Không những thế, hiện mỗi ngày Bình Minh còn cung cấp khoảng 20 tấn thịt gà cho thị trường. Do vậy, việc quan trọng hiện nay là chủ đầu tư cần thi công nốt các hạng mục còn lại để sớm đưa DA khu giết mổ gia cầm vào hoạt động”.

Theo Trưởng ban Quản lý DA huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Hải: “Chủ đầu tư và nhà thầu đã làm đúng trách nhiệm của mình khi được giao xây dựng DA. Hiện nay, do khó khăn về vốn nên một số hạng mục chậm được hoàn thành. Cuối năm 2016 này, sau khi bàn giao một số hạng mục, Ban sẽ tham mưu cho UBND huyện kêu gọi DN thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại. Nếu thuận, đầu năm 2018, DA mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đây, công tác quản lý thực phẩm, dịch bệnh, thu thuế sẽ được siết chặt hơn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần