Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, hiện toàn huyện Thanh Trì có 100 thôn, làng, tổ dân phố có nghĩa trang Nhân dân đang tồn tại, không thể di chuyển đi nơi khác. Trong bối cảnh thực hiện đề án phát triển huyện thành quận theo hướng đô thị văn minh, việc biến các nghĩa trang lạnh lẽo thành công viên tâm linh, vườn hoa cây xanh tạo cảnh quan đô thị sáng – xanh – sạch đẹp là yêu cầu tất yếu.
Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thôn xây dựng phương án triển khai, tổ chức họp Nhân dân và đại diện các dòng họ, tuyên truyền tạo sự đồng thuận; kêu gọi xã hội hóa để xây gọn các mộ vô chủ, mộ chưa xây, đổ bê tông hoặc lát gạch lối đi vào tạ mộ. Diện tích còn lại trồng cây xanh, cây hoa, cây ăn quả...
Nhờ sự vào cuộc tích cực, thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng là địa phương đầu tiên của huyện Thanh Trì ra quân triển khai mô hình xã hội hóa “Công viên hóa nghĩa trang”. Chỉ trong ngày 8/12, đã có 350 cây được trồng tại nghĩa trang thôn Vĩnh Trung, bao gồm: 100 cây hoa kèn hồng, 100 cây hoa huỳnh liên, 50 cây hoa tường vi, 50 cây hoa dạ lý hương, 50 cây chuối cảnh…
Bên cạnh đó, các hộ gia đình có mộ ở khu nghĩa trang đã tự trồng các loại hoa thạch thảo, cúc, sen đất... trên nóc mộ của gia đình mình. Thôn Vĩnh Trung cũng huy động gần 100 người cao tuổi, các hội đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân ra trồng và duy trì chăm sóc cây trong những ngày tiếp theo.
Thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục kêu gọi Nhân dân sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, đón Xuân xong, các gia đình sẽ mang những cây cảnh đã qua sử dụng như đào, quất, cam, bưởi... ra trồng, tạo cảnh quan không gian đẹp, có hương hoa theo 4 mùa; đồng thời lắp dựng chuồng nuôi chim bồ câu tạo cảnh quan yên bình, thân thiện cũng như giáo dục tình yêu thiên nhiên, động vật cho các thế hệ trẻ.
Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2025, huyện Thanh Trì sẽ đánh giá sơ kết mô hình để phát động nhân rộng ra toàn huyện.