Dự thảo bao gồm 13 nghĩa vụ Hy Lạp phải thực hiện để đảm bảo giải ngân 1 tỷ Euro nói trên, được trình lên quốc hội Hy Lạp ngày hôm nay và dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua ngày 15/12 tới.
Theo đó, chính phủ có nghĩa vụ lập một quỹ cổ phần hóa, cải tổ ngành cung cấp điện và mở thị trường bán các khoản nợ xấu
Một trong những điểm mấu chốt của thỏa thuận lần này là chính quyền cùng chủ nợ nhất trí về phương thức tư nhân hóa Công ty phân phối điện quốc gia (ADMIE)
Theo đó, chính phủ sẽ chỉ còn giữ 51% cổ phần ADMIE, 20% sẽ được bán cho các nhà đầu tư tư nhân, 29% được đưa ra bán trên thị trường chứng khoán Athens.
Quỹ cổ phần hóa sẽ do một ban thanh tra gồm đại diện của Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ giám sát. Hai bên đều có quyền phủ quyết đối với các quyết định cổ phần hóa.
Về các khoản nợ xấu của các DN vừa và nhỏ, của người tiêu dùng mà Athens mong muốn duy trì, Bộ trưởng Kinh tế George Stathakis cho biết, thỏa thuận mới sẽ mở ra thị trường bán các khoản nợ xấu này.
Tuy nhiên, các khoản vay thế chấp mua nhà ở đầu tiên, nợ tiêu dùng, cũng như nợ của DN vừa và nhỏ sẽ được xử lý theo quy định riêng được công bố từ nay đến 15/2 năm sau.
Nếu Quốc hội thông qua các cải cách mới này, Hy Lạp sẽ có cơ hội nhận khoản giải ngân 1 tỷ Euro trước ngày 18/12.
Hồi tháng 7, Hy Lạp đã chấp nhận những điều kiện thắt lưng buộc bụng để đổi lấy chương trình cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD), cứu Athens khỏi phá sản và ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Hai đợt giải ngân đầu tiên cho Athens đã lần lượt diễn ra vào 8 và tháng 11 vừa qua. Tiếp theo, chính quyền Athens sẽ phải thực hiện nhiều cải cách khác theo yêu cầu của chủ nợ, như cải tổ hệ thống lương hưu, trước khi có thể tiến hành đàm phán giảm nợ.