Syriza tuyên bố không tham gia cuộc gặp trên với lý do chính phủ mới không được thành lập thông qua chế độ bầu cử, vì thế sẽ "không có quyền lực chính trị." Điều này đồng nghĩa với việc danh sách nội các mới sẽ chỉ được công bố sau các cuộc thương lượng giữa Thủ tướng đương nhiệm George Papandreou và người đứng đầu phe đối lập, ông Antonis Samaras. Trước đó, tại cuộc gặp ngày 6/11 giữa Tổng thống Papoulias, Thủ tướng Papandreou và ông Samaras, các bên đã đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực nhằm thành lập chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc, với mục đích kéo quốc gia đang chìm trong nợ nần này và Khu vực đồng euro thoát khỏi bờ vực vỡ nợ công. Theo thỏa thuận trên, ông Papandreou đồng ý từ chức. Trong một diễn biến liên quan, hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết các chính đảng lớn của nước này đã nhất trí cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức vào ngày 19/2/2012. Chính phủ mới có nhiệm vụ thực thi các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ mà Liên minh châu Âu đã nhất trí với Hy Lạp hồi tháng 10 vừa qua, bao gồm việc siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách tại thời điểm nhạy cảm là kinh tế tăng trưởng chậm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã gặp các đại diện của Đảng Dân chủ Mới đối lập để thảo luận về khung thời gian thành lập một chính phủ liên minh mới để giúp Athens thông qua một thỏa thuận cứu trợ cần thiết nhằm trách nguy cơ vỡ nợ. Một nguồn tin Bộ Tài chính cho hay thời hạn chót ngày 19/2 sẽ giúp chính phủ mới của Hy Lạp có đủ thời gian đề hoàn tất việc trao đổi trái phiếu nhằm giảm nợ công của nước này, một phần trong thỏa thuận cứu trợ được các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí hôm 26/10 vừa qua. Thủ lĩnh đối lập Antonis Samaras trong nhiều tuần qua đã yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn, như là một điều kiện để đảng của ông ủng hộ kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ Hy Lạp. Tối 6/11, cuối cùng ông Samaras cũng đã đồng ý tham gia một chính phủ đoàn kết mà có thể sẽ giúp Athens thông qua kế hoạch ứng phó khủng hoảng nói trên, với điều kiện cuộc tổng tuyển cử tại nước này sẽ phải quyết được ấn định. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang tỏ ra thất vọng với bế tắc chính trị ở Hy Lạp vì họ muốn nước này đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận cứu trợ để giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Giới kinh doanh Hy Lạp cũng gây sức ép đòi các chính trị gia nước này thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt. Liên đoàn các doanh nghiệp Hy Lạp cho rằng tương lai của nước này phải được quyết định ngay lập tức vì bế tắc chính trị càng kéo dài, đất nước càng bị đẩy gần đến thế "ngàn cân treo sợi tóc." Họ cũng kêu gọi các bên liên quan đi đến một sự thỏa hiệp táo bạo, chín chắn về chính trị và có trách nhiệm với đất nước./.