Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy vọng mới cho bảo tồn hát trống quân Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 năm, hát trống quân đã được nhận diện tại các huyện ngoại thành Hà Nội.

Tuy nhiên, Dự án Nghiên cứu bảo vệ nghệ thuật trình diễn hát trống quân ở các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín… mới được khởi động chưa đầy 7 tháng. Trong buổi tổng kết giai đoạn đầu của Dự án, các nghệ nhân hát trống quân mang đầy hy vọng di sản này sẽ được giữ trong từng thôn làng, ngõ xóm.

Hết thời đánh chết… cũng đi hát

Ký ức của nghệ nhân hát trống quân Nguyễn Thị Vẫy (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) là cái thời cách đây hơn 60 năm, bà còn xuân trẻ, “mê hát trống quân lắm, dù có đánh chết cũng đi”. Thời đó, hát trống quân rộn ràng khắp thôn làng. Cứ vào dịp tháng 8 âm lịch hàng năm, nam thanh nữ tú trong làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà lại rủ nhau ra bờ sông Nhuệ cùng đối nhau câu hát giao duyên. Có những khi các đội hát say mê đến tận gần sáng mới trở về nhà, bị cha mẹ mắng, nhưng hôm sau vẫn không ai bỏ điểm hẹn. Câu hát, điệu đối thơ hay những dụng cụ gọi là thanh nhạc của hát trống quân rất dân dã: Chiếc trống bằng đất, dây mây già là dụng cụ tạo âm thanh trầm bổng…
Hát trống quân Khánh Môn, huyện Phúc Thọ.  	Ảnh: Thanh Hải
Hát trống quân Khánh Môn, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thanh Hải
Có mặt tại buổi báo cáo tổng kết Dự án Nghiên cứu bảo vệ nghệ thuật trình diễn hát trống quân của Hà Nội, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam hồ hởi: “Tôi cũng biết hát trống quân. Ngày xưa, vào mỗi dịp Tết Trung thu, nam thanh nữ tú của huyện Chương Mỹ lại đốt đuốc kéo nhau ra bờ sông chơi đến hết tháng 8 âm lịch. Thế nên, bây giờ người ta coi Trung thu là của trẻ nhỏ là sai lầm, đã đánh rơi mất hát trống quân. Di sản hát trống quân thực chất gắn với Tết Trung thu”. 60 – 70 năm nay, hát trống quân chỉ còn trong trong trí nhớ của một vài cụ già đã bước vào ngưỡng tuổi 80, 90. Điệu hát, câu thơ cũng chỉ được ghi dấu theo cách nửa nhớ, nửa quên. Bởi vào những đêm trăng thanh, trai gái các làng không còn rủ nhau ra bờ sông Nhuệ, sông Hát để hát trống quân như thuở nào. Phải đến khi những nhà nghiên cứu di sản của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa tìm đến nơi, ăn ngủ cùng nghệ nhân mới chợt giật mình về loại hình hát trống quân giàu giá trị về thanh nhạc đã từng tồn tại ở xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên), xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và một số huyện khác… Chính vì thế, một dự án nghiên cứu, phục dựng đã được ngành văn hóa Hà Nội đặt ra.

Để lớp trẻ không ngoảnh mặt với di sản

Nhìn vào thực tế hơn 10 năm tất bật công việc ghi chép các điệu hát từ các bậc cao niên, mở lớp truyền dạy hát trống quân cho lớp trẻ, nguyên cán bộ văn hóa thông tin xã Khánh Hà, Chủ nhiệm CLB hát trống quân Khánh Hà - ông Nguyễn Mạnh Tươi thừa nhận: “Lớp trẻ đang ngoảnh mặt với hát trống quân”. Mặc dù từ năm 2005, CLB hát trống quân xã Khánh Hà đã được Hội Văn nghệ dân gian hỗ trợ kinh phí bảo tồn, thế nhưng: “Gần 10 năm, chúng tôi mở lớp truyền dạy cho khoảng 100 cháu. Các cháu lớn lên, đi làm, lập gia đình nên bỏ hát gần hết. Đến nay, khi Sở VH&TT Hà Nội hỗ trợ mở lớp, chỉ tìm được các kép nữ, không tìm được kép nam” – ông Tươi cho biết.

Không hy vọng phục hồi hát trống quân để di sản thành phổ biến như ca trù, chèo, quan họ…, nhưng ông Nguyễn Đăng Mạc – Chủ tịch xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý văn hóa và nhà nghiên cứu để phục dựng cho bằng được di sản phi vật thể hát trống quân, để lớp trẻ hiểu về truyền thống văn hóa của vùng quê xưa kia, giảm thiểu bớt sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Bằng chứng cho thấy, chưa đầy 7 tháng thực hiện Dự án, hát trống quân đã sống lại ở từng cụm dân cư xã Hát Môn. Ngoài lớp học do UBND xã triển khai, ở một số cụm dân cư đã tổ chức lớp học để tổ chức biểu diễn nhân các buổi hội nghị, họp dân… Và để trống quân có “đất” diễn, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cũng đã cam kết sẽ dành thời lượng cho di sản hát trống quân của các huyện trong những sự kiện quan trọng do Bảo tàng tổ chức, như Tết Trung thu…

Theo bà Phạm Thị Minh Hương – Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc: “Bây giờ mới khởi động dự án bảo tồn hát trống quân chưa phải là quá muộn”. Sau Dự án Nghiên cứu bảo vệ nghệ thuật trình diễn hát trống quân của Hà Nội, Sở VH&TT đang lên kế hoạch trình UBND TP cho phép xây dựng một đề án toàn diện và “dài hơi” về bảo tồn hát trống quân giai đoạn 2016 – 2020, để di sản có thể sống lâu trong từng thôn làng, ngõ xóm của các huyện ngoại thành Hà Nội.