Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy vọng trở thành di sản văn hóa nhân loại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cho đến nay, việc xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đang bước vào giai đoạn nước rút.

KTĐT - Cho đến nay, việc xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đang bước vào giai đoạn nước rút. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ - đang hoàn thiện những công việc cuối cùng để đảm bảo bộ hồ sơ theo mẫu mới sẽ được gửi đến tổ chức UNESCO trước ngày 31/3/2011. Với những giá trị di sản có một không hai, "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đang chờ đợi và hy vọng sẽ được thế giới tôn vinh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên toàn quốc hiện có tới 1.417 di tích thờ Hùng Vương, gia quyến và các tướng lĩnh nhưng tập trung nhiều nhất ở khu di tích núi Hùng (hay núi Nghĩa Lĩnh) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương và các địa phương phụ cận như TP Việt Trì, huyện Phù Ninh, Lâm Thao. Sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đến với Đền Hùng như đến bên bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa nhà là nước, nước cũng là nhà và ước nguyện của mỗi người cũng là ước nguyện của dân tộc. Do đó, tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa.

Ngoài lễ hội Đền Hùng thu hút hàng triệu người hành hương về đất Tổ mỗi dịp tháng ba về, 40 làng của các huyện Phong Châu, Lâm Thao, TP Việt Trì… cũng tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân với tinh thần hướng về nguồn cội. Các làng rước kiệu từ đình về chầu ở chân núi Hùng, rồi tổ chức chấm thi, làng có kiệu được xếp nhất thì được rước lên Đền Thượng, thay mặt cả đoàn kiệu đứng tế Tổ. Đám rước kiệu lên Đền Thượng được tổ chức hết sức công phu, gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Cỗ đi đầu bày hương, hoa, đèn nến, trầu cau, bình nước và nậm rượu. Cỗ thứ hai rước nhang án, bài vị thánh có lọng che. Cỗ thứ ba rước đầy bánh chưng, thịt lợn. Đi trước nhất là viên quan dịch cầm loa báo cho nhân dân hai bên đường và khách bộ hành biết cỗ kiệu sắp tới để họ nghênh đón. Tiếp đến là phường chèo, vừa đi vừa hát gióng đường, sau đó là dàn trống nện theo nhịp. Dịch loa, phường chèo và chiêng trống có thể xem là một ê kíp tiền trạm. Đây là một trong những yếu tố khẳng định sinh hoạt tín ngưỡng thờ Tổ rất trang nghiêm, tôn kính và có lề lối.

Khái niệm "Đất Tổ" từ lâu đã đi vào tiềm thức người dân Việt Nam trở thành niềm tự hào và là cơ sở để hình thành tư tưởng: Truyền thống yêu nước, độc lập dân tộc, uống nước nhớ nguồn cho đến mãi ngày nay. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc từ rất sớm.

Tháng 9/2010, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2800 về việc thành lập Ban Xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, Ban Xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đã tổ chức 5 hội nghị với Ban Chỉ đạo, các chuyên gia của Hội đồng Di sản quốc gia và các nhà khoa học nhằm thông qua đề cương chi tiết của hồ sơ. Ban Xây dựng hồ sơ đã tiến hành 2 đợt kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng dẫn của UNESCO tại hơn 200 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 12 huyện, thành, thị xã; thực hiện việc ghi hình, chụp ảnh để tư liệu hóa tư liệu sưu tầm; mua tư liệu ảnh, làm sách "Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương"; điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đồng thời đã vận động hồ sơ lần 1 tại Kenya. Hiện nay, Ban Xây dựng hồ sơ đang gấp rút viết hồ sơ theo mẫu mới của UNESCO để nộp trước ngày 31/3/2011, đồng thời làm phim, làm các album, bản đồ điện tử và xuất bản các ấn phẩm về tín ngưỡng thờ Hùng Vương để Hội đồng Di sản Quốc gia thông qua hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định trong tháng 3 / 2011.

Để tìm sự đồng thuận của những nhà văn hóa trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý đã vạch ra nhiều chương trình để "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" sớm trở thành Di sản Văn hoá thế giới. Vào đúng dịp Giỗ tổ Hùng Vương 2011, hội nghị quốc tế "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại" sẽ được tổ chức tại chính mảnh đất Tổ của người Việt. Ngoài ra, theo dự kiến, Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương 2011 sẽ có một số thành viên của tổ chức UNESCO tham dự và chứng kiến các hoạt động lễ hội mang tính quần chúng, có số người tham gia đông đảo…

Những người con đất Việt đang nỗ lực khẳng định giá trị di sản độc đáo của "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương". Và nếu năm 2012, "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" được thế giới ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới, sẽ không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lời khẳng định về tín ngưỡng thờ Tổ rất trang nghiêm, tôn kính của dân tộc.