Kinhtedothi - Bao giờ cho đến ngày xưa? Nhìn lại hình ảnh của Thủ đô Hà Nội hiện tại, người Hà thành cứ có cảm giác buồn khó tả. Hà Nội trong ký ức xưa đẹp lắm, không xô bồ ồn ào như bây giờ, xe cộ, mua bán tràn lòng đường, dây cáp điện, viễn thông chằng chịt.
Các phương tiện giao thông “ùn lên” vỉa hè, sang đường bất cứ lúc nào và bất cứ chỗ nào…, đặc biệt nhất là đèn giao thông có hay không cũng chẳng quan trọng, “việc ta ta cứ đi, đường ta ta cứ chạy”. Đến khi nào Hà Nội mới bình yên trở lại?
Sợ hãi khi qua đường
Người phương Tây sang Việt Nam du lịch vẫn thường ví von rằng, việc sang đường tại Hà Nội và một số đô thị lớn, dù đi bộ hay bằng các phương tiện giao thông, đều là một cách đi mạo hiểm. Điều này không chỉ đúng với người nước ngoài đến Việt Nam mà ngay cả đối với những người dân từ các tỉnh khi đặt chân tới các TP lớn này, bởi dòng xe cộ quá đông, quá hỗn loạn. Ô tô, xe máy “tranh giành” nhau lao bạt mạng trong cùng một làn đường. Thêm vào đó, đường đi lại quá hẹp, người tham gia giao thông thường không dừng đúng vạch sơn. Đó là chưa kể tới việc nhiều tuyến đường, đèn đỏ dường như “chỉ để trang trí” khi đường nhỏ, giao nhau nhiều, các phương tiện cứ thế chạy qua khi không thấy bóng CSGT. Dĩ nhiên, người điều khiển phương tiện đều hiểu ý nghĩa của tín hiệu giao thông trên đường phố nhưng vấn đề ở chỗ… họ phớt lờ quy định an toàn dành cho người đi bộ. Việc tiện đâu đi đấy dường như đã ngấm sâu vào máu của đại đa số người dân Việt Nam.
Đi bộ sang đường đã nguy hiểm nhưng đôi khi đi bộ ngay trên vỉa hè cũng phải dè chừng. Vào giờ cao điểm, người đi xe máy cứ thấy vỉa hè có khoảng trống là tranh nhau lao lên, bóp còi inh ỏi buộc người đi bộ phải dạt xuống đường. Với những người đi bộ không may lọt vào “mê cung” này, việc bị xe máy va phải, trầy xước, thậm chí là bị thương nặng xảy ra không hiếm.
Trong khi những người dân Thủ đô bàng quan với lối đi “có một không hai” của mình thì những người nước ngoài lại có những hành động khiến chúng ta phải giật mình. Điển hình như tối 16/8, trên phố Hàng Giầy (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một người đàn ông ngoại quốc đang đi dạo cùng bạn bè trên phố, chứng kiến một số người thản nhiên đi xe máy vào phố đi bộ, anh này đã lao ra và ngăn cản một cô gái, cương quyết bắt cô phải xuống xe dắt bộ. Cô gái lưỡng lự ngồi trên xe, rồi định đi tiếp thì ông Tây hét lớn: "Hãy xuống xe, đi bộ đi". Cô gái vẫn kiên quyết không xuống xe. Thậm chí khi được những người dân xung quanh khuyên bảo, cô gái vẫn cãi lại: "Cháu hiểu anh ấy nói gì nhưng cháu không muốn xuống". Chỉ tới khi chàng Tây nhất quyết không cho đi, cô gái này mới miễn cưỡng xuống xe dắt bộ. Chàng trai đã cảm ơn và vỗ tay để cổ vũ cho hành động của cô gái. Hành động của du khách người nước ngoài đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, vì phố đi bộ Hà Nội thường xuyên có nhiều người dân vô ý thức, thản nhiên phóng xe máy vào khu vực cấm, gây nguy hiểm cho người khác. Có thể cuộc sống hối hả quá đã khiến chúng ta trở nên ích kỷ, coi trọng suy nghĩ của bản thân mà quên đi lợi ích chung của xã hội. Hay do chính suy nghĩ tiêu cực của một bộ phận không nhỏ người Việt là luôn làm trái những quy định đã đặt ra chăng?
Cần kinh nghiệm
Không ai có thể bảo vệ mình tốt hơn chính mình, dù luật giao thông đã có những quy định để bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi sang đường. Thực tế, trong điều kiện giao thông hỗn loạn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như hiện nay, không một ai có thể lường hết các tình huống bất lợi xảy ra, kể cả những trường hợp đi bộ sang đường là người khỏe mạnh. Việc tuân thủ phương châm: Bảo vệ an toàn cho mình trước hết và trên hết là điều không bao giờ thừa.
“Ở Việt Nam, sang đường cũng cần… kinh nghiệm”, nhiều người dân Hà thành hóm hỉnh chia sẻ. Tại các nước giao thông phát triển, có tín hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ bao giờ cũng an toàn, nhưng ở Việt Nam thì chưa chắc. Lại là câu chuyện “cẩn thận chẳng thiệt đi đâu”, để sang đường an toàn thì tập trung và quan sát kỹ cần đặt hàng đầu. Nếu chỗ sang đường là ngã tư có đèn tín hiệu giao thông thì phải nhìn đèn tín hiệu cho phép mới sang đường và vẫn phải nhìn động thái của các xe, vì không ít ngã tư, khi có đèn đỏ, phương tiện cơ giới vẫn được rẽ phải. Đó là chưa nói đến một số người điều khiển xe máy tùy tiện vượt đèn đỏ và một số vi phạm khác.
Đối với người nước ngoài sang Việt Nam, để an toàn khi qua đường, ngoài sự cẩn trọng cần có thì nên đi cùng hướng dẫn viên du lịch, hoặc "vẫy tay" để người đi đường để ý. Giao tiếp bằng mắt với người lái xe trước khi rời vỉa hè để sang đường cũng là giải pháp hữu hiệu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền được lưu thông an toàn cho người đi bộ, TP có thể giao cho Đội Thanh niên xung kích TP tổ chức các điểm đưa người dân và du khách (đặc biệt là người già và trẻ nhỏ) qua những tuyến đường “nóng”, đồng thời hình thành ý thức nhường đường cho người đi bộ của người điều khiển phương tiện giao thông.
Chúng ta không chỉ cần sự thức tỉnh từ những người nước ngoài đã cố gắng đứng ra ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự ATGT, mà còn cần có cả sự chung sức của con người Việt Nam. Điều chúng ta mong muốn đó là sự thay đổi tích cực trong nhận thức của mọi người về cách ứng xử, về hành vi tâm lý của số đông người dân Việt. Hy vọng đó là sự thay đổi bền vững.
Người đi bộ luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ bất ngờ khi tham gia giao thông. Ảnh: Công Hùng
|