Ì ạch cơ giới hóa nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa và có chính sách hỗ trợ mua máy móc nhưng kết quả ứng dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Kết quả đạt thấp

Nhằm tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp, từ tháng 7/2013, UBND TP đã có Quyết định số 4129/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án Phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”. Với tổng nguồn vốn lên tới hơn 1.100 tỷ đồng, đề án này được xem như là một đòn bẩy tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Hơn 2 năm qua, việc ứng dụng tiến bộ CGH vào các khâu trong nông nghiệp trên địa bàn TP cũng có sự tiến bộ hơn so với trước. Tuy nhiên, so với mục tiêu và kỳ vọng đặt ra, kết quả thực hiện đề án này vẫn còn rất khiêm tốn.
Ứng dụng máy gặt đập liên hợp tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện
Ứng dụng máy gặt đập liên hợp tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện
Trong lĩnh vực trồng trọt, ngoại trừ khâu làm đất có tỷ lệ CGH đạt 90%, còn lại các khâu khác như cấy, gặt đập liên hợp, phun thuốc bảo vệ thực vật đều đạt rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ diện tích lúa cấy bằng máy trên địa bàn TP mới đạt 2,1%, gặt bằng máy mới đạt 13,5%. Trong chăn nuôi, hơn 2 năm qua, dù đã được đầu tư hàng trăm máy vắt sữa, hệ thống làm mát chuồng nuôi, hệ thống máng ăn, uống tự động nhưng so với tổng thể ngành, tỷ lệ CGH cũng mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Tính đến nay, CGH trong khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu làm mát chuồng lợn đạt 5,2%, gà đạt 11,9%, hệ thống quạt nước nuôi trồng thủy sản đạt 7,5% diện tích. Với thực trạng này, trình độ CGH trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang ở mức thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, các mô hình CGH trong sản xuất lúa và chăn nuôi mới chỉ đạt từ 50 – 77% theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do nông nghiệp TP vẫn chủ yếu là sản xuất nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, tính hàng hóa thấp nên việc đầu tư CGH gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Đáng nói là một số địa phương còn chưa quyết liệt, ỉ lại vào TP nên chưa có giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về ứng dụng CGH trên địa bàn.

Khó tiếp cận chính sách

Theo đại diện nhiều địa phương, việc chậm đưa CGH vào sản xuất một phần do người dân chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ mua máy móc của Nhà nước. Bà Đặng Thị Tươi – Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa chia sẻ, toàn huyện có hơn 10.000ha cấy lúa nhưng tỷ lệ CGH mới đạt khoảng 12%.

Theo bà Tươi, mức hỗ trợ 75 triệu đồng/máy của TP đối với mua máy cấy còn thấp và thủ tục lâu nên người dân chưa thực sự mặn mà. Thống kê của Sở NN&PTNT cũng cho thấy, việc triển khai hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng mua máy móc theo Quyết định 16 của UBND TP đang bộc lộ bất cập. Trong vòng 2 năm qua, toàn TP mới có 55 hộ được vay tiền ngân hàng mua 55 chiếc máy làm đất và gặt đập liên hợp.

Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, phương thức chăn nuôi trên địa bàn TP còn nhỏ lẻ, nhiều trang trại nằm trong khu dân cư nên việc đưa CGH vào còn chậm, hiệu quả không cao. Cũng do chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chăn nuôi phải đầu tư từng bước dẫn tới tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ. Ông Sơn cũng cho biết thêm, mặc dù T.Ư và TP đã có chính sách hỗ trợ CGH nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân thiếu giấy chứng nhận trang trại, chứng nhận VietGAP cũng như các tiêu chí kỹ thuật khác.

Đến nay, toàn TP đã dồn điền đổi thửa được hơn 76.500ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề quan trọng cho việc ứng dụng CGH vào sản xuất. Để nâng cao tỷ lệ ứng dụng CGH trong nông nghiệp, thời gian tới, TP cũng như các sở, ngành cần có sự quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về chính sách đối với lĩnh vực này. Cùng với đó, các địa phương cũng phải vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện tốt quy hoạch sản xuất đã được phê duyệt, đồng thời tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiến tiến và thu hút DN đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.

 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc ứng dụng CGH trong vòng 2 năm qua đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 - 3%/năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần