Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ILO: Phục hồi việc làm trên toàn cầu không đồng đều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo ILO, mặc dù chi tiêu bị cắt giảm ở nhiều nước, song trong nửa đầu năm nay, việc làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế và quản lý công tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn.

KTĐT - Theo ILO, mặc dù chi tiêu bị cắt giảm ở nhiều nước, song trong nửa đầu năm nay, việc làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế và quản lý công tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn.

Ngày 10/11, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết vấn đề việc làm trên toàn cầu đang có chiều hướng cải thiện, song sự phục hồi việc làm trong nửa đầu năm nay không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau.

Trên cơ sở tổng hợp số liệu trong 13 lĩnh vực của 51 quốc gia phát triển và đang phát triển, ILO cho biết trong quý I năm nay, lĩnh vực xây dựng và sản xuất mất tổng cộng 5 triệu việc làm so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này thì lĩnh vực y tế lại có thêm 2,8 triệu việc làm. Bên cạnh đó, sự phục hồi việc làm trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, giao thông vận tải, kho bãi và truyền thông diễn ra rất chậm.

Vấn đề việc làm trong lĩnh vực tài chính vẫn không ổn định khi số việc làm trong lĩnh vực này của quý I đầu năm nay thấp hơn 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành công nghiệp tài chính vẫn còn đang trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là ở Mỹ và Anh.

Cũng theo ILO, mặc dù chi tiêu bị cắt giảm ở nhiều nước, song trong nửa đầu năm nay, việc làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế và quản lý công tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Trong quý II năm nay, lĩnh vực giáo dục sử dụng thêm 138.000 việc làm sau khi cung cấp thêm 240.000 cơ hội việc làm trong quý I.

Dù mức tăng chậm hơn so với quý I, nhưng trong quý II, lĩnh vực quản lý công cũng tạo thêm 144.830 việc làm mới. Trong quý II, lao động trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng tăng 1,5%; bất động sản tăng 1,1% so với cùng quý năm trước.

Về số giờ làm việc, ILO cho biết sau khi liên tục giảm trong cả năm 2009, chỉ số này bắt đầu tăng trở lại trong nửa đầu năm nay ở đa số các lĩnh vực, trừ nông, lâm, ngư nghiệp.