KTĐT - Ngày 15/4, các quan chức Khu vực đồng euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có động thái nhằm trấn an thị trường trước những đồn đoán về khả năng Hy Lạp cơ cấu lại nợ, nguyên nhân làm gia tăng sức ép tài chính đối với khu vực vốn đã đứng bên bờ vực cuộc khủng hoảng nợ công này.
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị mùa Xuân IMF - Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, Mỹ, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu thuộc IMF Antonio Borgio khẳng định IMF và Liên minh châu Âu (EU) vẫn xúc tiến kế hoạch cứu trợ Hy Lạp như đã định. Hy Lạp có thể đáp ứng các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công đã cam kết để đổi đổi lấy gói cứu trợ này.
Sau khi khẳng định tất cả những đồn đoán hiện nay liên quan đến việc Hy Lạp cơ cấu lại nợ là hoàn toàn không có cơ sở, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho biết cơ cấu lại nợ không phải là một sự lựa chọn.
Người phụ trách Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) Klaus Regling cũng cho rằng Hy Lạp không cần nhanh chóng cơ cấu lại nợ.
Theo Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn, Hy Lạp không nên cơ cấu lại nợ vì một quyết định như vậy không giúp giải quyết được những khó khăn kinh tế của nước này, trái lại sẽ gây thiệt hại cho Eurozone.
Ông Rehn cho biết EU và IMF sẽ phân tích khả năng thanh toán nợ của Hy Lạp để đưa ra lời khuyên đúng lúc. Ông kêu gọi Hy Lạp thực hiện chương trình tư nhân hóa như đã cam kết nhằm cắt giảm nợ công.
Athens dự định thực hiện chương trình tư nhân hóa trị giá tổng cộng 50 tỷ euro trong 4 năm tới, tương đương 22% GDP của nước này và tương đương 1/6 tổng số nợ công mà theo dự báo sẽ lên tới 150% GDP trong năm nay và 160% vào năm 2013.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, người đưa ra nhận xét được cho là dẫn đến những đồn đoán về khả năng Hy Lạp cơ cấu lại nợ, cho biết các phương tiện thông tin đại chúng đã giải thích sai bình luận của ông về tình hình nợ công ở Hy Lạp.
Trước đó, ngày 14/4, ông Soiblơ nói trên tạp chí Tấm gương rằng nếu các thể chế tham gia kế hoạch cứu trợ Hy Lạp gồm IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu ÂU (EC) khẳng định Athens không còn khả năng thanh toán nợ, thì "những biện pháp tiếp theo sẽ được thực hiện."
Ngay sau khi ông Schauble đưa ra những lời bình luận trên, giá trị trái phiếu chính phủ của Hy Lạp giảm mạnh. Đồng euro cũng rớt giá sau những tháng phục hồi vất vả so với đồng USD./.