IMF: Việt Nam vẫn là đầu tàu kinh tế của Đông Nam Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với Singapore, Thái Lan và Indonesia, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là những quốc gia tạo động lực tăng trưởng cho khu vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương" vừa được IMF công bố, Quỹ này đánh giá khá cao mức tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2016 và đạt 6,2% năm 2017, cao hơn hẳn mức trung bình 5,3% của khu vực châu Á.

Xét riêng ở khu vực Đông Nam Á, mức tăng trưởng được dự báo của Việt Nam chỉ kém Campuchia (7% - 7%) và Myanmar (8,6% - 7,7%). Trong khi đó, các quốc gia dẫn đầu nền kinh tế khu vực như Singapore chỉ ở mức 1,8% - 2,2% và Thái Lan khá khiên tốn với mức 3% - 3,2%.

Cũng theo IMF, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc vẫn sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu với mức dự báo 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017, giảm so với 6,9% của năm 2015, con số thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ khiến cho thương mại và giá hàng hóa tại các quốc giá châu Á bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản đã bị IMF giảm một nửa mức tăng trưởng dự báo xuống 0,5% năm 2016 và -0,1% năm 2017 do việc tăng thuế tiêu dùng cũng như vấn đề dân số lão hóa và nợ công lớn. Theo IMF, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ chịu tác động của việc đồng yen mạnh và thương mại với Trung Quốc chậm lại.

Những nhận định của IMF khá phù hợp với thông tin được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi tháng 4/2016. Theo đó, WB dự báo Việt Nam và Philippines sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong năm 2016, với mức tăng trưởng hơn 6%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần