KTĐT - Người dân sống tại các thành phố gần núi lửa Merapi đang tiếp tục sơ tán do lo ngại ngọn hoả diệm sơn này ngày càng hoạt động dữ dội hơn.
Hôm qua có thêm 12 thi thể nạn nhân của vụ núi lửa Merapi phun trào được đưa tới bệnh viện trên đảo Java, nâng tổng số người chết trong đợt hoạt động kéo dài hai tuần qua lên 156.
Số người chết mới nhất trong vụ núi lửa Merapi gồm 7 nạn nhân được tìm thấy trong một ngôi làng bị thiêu rụi hoàn toàn và 5 người khác thiệt mạng khi đang được điều trị các vết bỏng do tro bụi gây ra. Bán kính khu vực nguy hiểm cũng được mở rộng từ 4,8 km lên 19 km tính từ miệng núi lửa Merapi.
Người dân sống tại các thành phố gần núi lửa Merapi đang tiếp tục sơ tán do lo ngại ngọn hoả diệm sơn này ngày càng hoạt động dữ dội hơn. Nhưng kể từ thứ sáu tuần trước chưa có đợt phun trào nào thật sự mạnh, dù nó không ngừng tuôn ra tro bụi. Theo các chuyên gia hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy núi Merapi sẽ ngừng hoạt động.
Indonesia nằm trên khu vực bất ổn của vỏ trái đất được mệnh danh là "Vành đai lửa Thái Bình Dương" với 129 núi lửa đang hoạt động và hai ngọn dữ dội nhất là Kelut và Merapi đều nằm trên đảo miền trung Java. Merapi từng phun trào nhiều lần trong thế kỷ qua làm chết tổng cộng hơn 1.400 người. Nhưng đây là đợt hoạt động mạnh nhất từng được ghi nhận và số nạn nhân thiệt mạng không ngừng tăng trong suốt hai tuần qua, bắt đầu từ ngày 26/10.
Hoạt động của núi lửa Merapi cũng ảnh hưởng xấu đến ngành hàng không khi hàng loạt chuyến bay đến Jakarta bị huỷ do lo ngại bụi núi lửa ảnh hưởng tới động cơ máy bay. Nước láng giềng Malaysia cũng điều 3 chiếc máy bay vận tải quân sự sang Indonesia để di tản hơn 600 công dân của mình về nước.
Trong khi đó, chuyến thăm được chờ đợi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Indonesia bắt đầu từ hôm qua vẫn diễn ra như lịch trình. Dù trước đó có lo ngại hoạt động của núi lửa Merapi có thể ảnh hưởng đến chuyến đi của ông tới nơi ông chủ Nhà Trắng từng có thời gian sống thời thơ ấu này.