Trình bày tham luận tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, internet, báo mạng lên ngôi làm thay đổi xã hội. Sức mạnh truyền tin của các mạng xã hội khiến những ngôi sao, doanh nhân hay các sản phẩm tiêu dùng… đến gần hơn với công chúng. Tất cả điều này đã làm thay đổi xu hướng báo chí.
Do đó, báo chí - truyền thông hiện đại đang phát triển theo 5 xu hướng đó là: Thông tin cập nhật liên tục; Mạng xã hội vừa là đối tác, vừa là đối thủ; Quảng cáo là nội dung thông tin và tương tác; Mọi người đều có thể làm báo; Tiện ích hóa, cá nhân hóa với công chúng.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.
|
Theo TS Trần Bá Dung, với những xu hướng báo chí này, các báo đã buộc phải thay đổi hoạt động tác nghiệp của nhà báo, thay đổi cách tư duy quản lý, thay đổi về cách biên tập tin bài và thay đổi quan niệm về bạn đọc. Đó là sự xuất hiện của các nhà báo đa năng, các tòa soạn tích hợp giữa báo in, truyền hình và báo điện tử và đọc giả cũng có thể trở thành những tác giả của các sản phẩm báo chí.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm VTV Digital cũng đã khẳng định sức mạnh của truyền thông internet trong đời sống báo chí, hiện nay lượng khán giả xem truyền hình trên internet ngày càng nhiều, do đó đối thủ của truyền hình trong tương lai là các nhà mạng, các trang báo điện tử, các mạng xã hội… chứ không phải là các đài truyền hình với nhau. Do đó để có được bước phát triển, các đài truyền hình cần thay đổi chiến lược đó là các sản phẩm truyền hình khán giả không chỉ xem được trên tivi.
Ngoài những tham luận trên, buổi tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề phát triển báo chí đa phương tiện, báo chí hiện đại một cách bền vững và nhân văn trong môi trường toàn cầu hóa thông tin.