Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IPU bàn về Dự thảo Nghị quyết chiến tranh mạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/3, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU 132, Uỷ ban thường trực về hoà bình và an ninh quốc tế thảo luận về dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới".

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo nhận định được đưa ra trong cuộc thảo luận, trong những năm qua, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng.

Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Chính vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để mô tả các tình huống khác nhau với nhiều hậu quả cho dù chúng không phải luôn luôn liên quan toàn bộ đến chiến tranh mạng.

Báo cáo viên của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế cho biết: Chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì thế, việc nghị viện các nước thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng.

Dự thảo Nghị quyết khẳng định: Trong dự thảo nghị quyết, các Báo cáo viên tôn trọng tên chủ đề đã được Ủy ban thường trực thông qua là "Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới". Về vấn đề này, họ định nghĩa chiến tranh mạng là cuộc chiến tiến hành trong không gian mạng và chủ yếu gồm những hoạt động quân sự trong hệ thống mạng và máy tính để tấn công một kẻ thù. Họ lấy cảm hứng từ những phần trình bày của các chuyên gia và các nghị sĩ tại các cuộc thảo luận được tổ chức tại Đại hội đồng IPU - 131 tại Geneva, tháng 10/2014 và thông qua các văn bản của các Nghị viện Thành viên IPU gửi đến trong những tuần sau đó.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò nghị viện có thể hoặc nên thực hiện, đặc biệt là bằng cách sử dụng quyền lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo rằng các Chính phủ tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ hiện tại của mình hoặc tạo áp lực để khuyến khích họ đóng góp vào các hành động cụ thể khác.

Xuất phát từ thực tiễn, một số đại biểu cũng nêu thực tế trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các ứng dụng hiện hành của luật pháp quốc tế không phải là một giải pháp hoàn hảo. Do đó, luật an ninh quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi và cần có cách giải thích khác cho các quy định hiện hành nếu không áp dụng được hoàn toàn các quy tắc mới.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới" sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU - 132. Góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.