Iran sẽ sát cánh cùng Syria
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi hôm 6/12 tuyên bố, Tehran cam kết hỗ trợ Damascus đẩy lùi cuộc tấn công của các lực lượng nổi dậy ở Syria do bất ổn sẽ đe dọa đến an ninh tại khu vực Trung Đông.
Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào tuần rồi, các nhóm phiến quân do HTS đứng đầu đã chiếm được các thành phố trọng yếu Aleppo ở phía Bắc và Hama ở miền Trung, giáng đòn mạnh vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo Ngoại trưởng Araghchi, các phần tử Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa đối với toàn khu vực.
“Nhóm khủng bố Takfiri đã vạch ra một âm mưu dài hạn nhằm gây mất an ninh và bạo lực trong khu vực,” ông Araghchi phát biểu sau cuộc họp với các Ngoại trưởng Iraq và Syria ở Baghdad hôm 6/12 “Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường tham vấn và phối hợp để hỗ trợ chính phủ và người dân Syria,” Ngoại trưởng Iran nói thêm.
Tại cuộc họp ở Baghdad, Iran và Iraq đã cam kết cùng phối hợp trong việc hỗ trợ Chính phủ Syria giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.
Theo Ngoại trưởng Araghchi, nguy cơ khủng bố sẽ lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Iraq nếu các nhóm khủng bố ở Syria không bị tiêu diệt ngay lập tức.
“Những kẻ khủng bố này sẽ không dừng lại ở Syria. Mối đe dọa này đang treo lơ lửng trên toàn khu vực và sẽ lan sang các quốc gia khác như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq. Khủng bố phải bị dập tắt từ trong trứng nước, nếu không nó sẽ lan sang các quốc gia lân cận. Nếu chúng ta muốn bảo vệ an ninh của mình, chúng ta phải bảo vệ các nước láng giềng khỏi khủng bố” - Ngoại trưởng Iran nêu rõ tại cuộc báo hôm 6/12.
Đầu tuần này, ông Araghchi cho biết Tehran sẽ xem xét việc can thiệp quân sự công khai ở Syria nếu Damascus yêu cầu.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Iran tiết lộ Reuters rằng Iran đặt mục tiêu gửi tên lửa và máy bay không người lái (UAV) đến Syria, đồng thời tăng số lượng cố vấn quân sự ở Damascus để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy.
“Có khả năng Iran sẽ cần gửi thiết bị quân sự, tên lửa và UAV đến Syria. Tehran đã thực hiện mọi bước cần thiết để tăng số lượng cố vấn quân sự của mình ở Syria”, quan chức Iran giấu tên cho biết hôm 6/12. “Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp hỗ trợ tình báo và vệ tinh cho Syria”.
Đối với Iran, Tổng thống Syria Assad là đồng minh quan trọng, một phần của "Trục kháng chiến” nhằm đối phó với Israel và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Dự kiến, các bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga sẽ họp tại Doha (Qatar) vào thứ Bảy để thảo luận về bước tiến của lực lượng nổi dậy ở Syria, một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Phe nổi dậy tiết lộ mục tiêu tại Syria
Trong cuộc phỏng vấn được đài CNN đăng tải hôm 6/12, Abu Mohammad al-Jolani, thủ lĩnh nhóm HTS, cho biết mục tiêu của phe nổi dậy là lật đổ Tổng thống Assad, lập chính phủ dựa trên các thể chế và một hội đồng được người dân lựa chọn.
Tuy nhiên, theo đài CNN, mối liên hệ của HTS và thủ lĩnh Jolani với các phong trào Hồi giáo cực đoan đã phủ bóng lên tham vọng của ông.
HTS là một nhóm được thành lập từ một nhánh trước đây của al-Qaeda. Mặc dù ông Jolani đã cố gắng tách nhóm của mình ra khỏi al-Qaeda, lực lượng HTS vẫn bị Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc và một số quốc gia phương Tây khác xem là khủng bố.
Riêng Washington còn treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông Jolani.
Mặc dù vậy, ông Jolani khẳng định, động thái xem HTS là khủng bố là không chính xác và chủ yếu mang tính chính trị. Theo ông Jolani, HTS chưa bao giờ tham gia trực tiếp vào các cuộc tấn công nhằm vào dân thường.
Thủ lĩnh HTS cũng bày tỏ mong muốn các lực lượng nước ngoài rời Syria sau khi đạt được các mục tiêu trên. Hiện nay, có các lực lượng từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cùng với các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở tại Syria. Đồng thời, ông Jolani nói đến mục tiêu đưa người tị nạn Syria trở về quê hương từ Lebanon và châu Âu.
Syria từ lâu đã là điểm nóng của khu vực Trung Đông, với cuộc xung đột kéo dài nhiều năm gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và nhân đạo.
Từ tuần trước, tình hình ở miền Bắc Syria trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nhóm phiến quân HTS và các đồng minh phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Lực lượng Chính phủ Syria, với sự hỗ trợ không quân từ Nga, đã đáp trả mạnh mẽ, dẫn đến những cuộc giao tranh ác liệt, đặc biệt tại các khu vực như tỉnh Hama và Idlib.
Theo báo cáo từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, hơn 280.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc khủng hoảng ở tây bắc Syria.
Hàng ngàn người đã tháo chạy khỏi TP Homs để tìm đến các vùng ven biển phía Tây - thành trì của chính phủ Syria - trong đêm 5/12 và ngày 6/12 giữa lúc lực lượng nổi dậy tìm cách mở rộng cuộc tấn công chớp nhoáng vào lực lượng chính phủ về phía Nam.