Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Italia và phép màu kinh tế Venice

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong lúc cả châu Âu đang “sợ hãi” trước nguy cơ Italia phải xin cứu trợ, các công ty gia đình tại khu vực Bắc Venice vẫn đạt được mức lợi nhuận vô cùng ấn tượng.

Italia – nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài trong vài năm qua với tăng trưởng GDP âm 4 quý liên tiếp. Thậm chí, nhằm cứu vãn tình hình tài chính khó khăn, Chính phủ Italia đã lên kế hoạch bán khoảng 350 lâu đài và cung điện thuộc tài sản nhà nước. Trong tình cảnh khó khăn tới mức nhiều người dân Italia phải cân nhắc khi muốn thưởng thức một tách cà phê, De'Longhi – công ty sản xuất máy pha cà phê espresso lại đạt doanh thu toàn cầu lên tới 1,8 tỷ Euro và đang hướng tới mức lợi nhuận 20%/năm. De'Longhi chỉ là một trong nhiều công ty gia đình tại Veneto (trải dài từ phía Bắc Venice đến Padua Belluno) nhưng lại có tầm vóc của các tập đoàn quốc tế.
 
Italia và phép màu kinh tế Venice - Ảnh 1
Veneto - khu vực thịnh vượng nhất Italia bất chấp kinh tế nước này đang suy thoái.

 

Veneto là khu vực có mật độ các công ty cao nhất ở Italia với những tên tuổi đình đám như hãng thời trang danh tiếng Benetton, Replay & Stefanel, Luxottica, hãng giày Geox, công ty sở hữu hai nhãn hiệu kính mắt nổi tiếng nhất thế giới là RayBan và Persol. GDP bình quân đầu người tại Veneto là 30.000 Euro, trong khi con số tương ứng tại Campania (Naples) chỉ là 17.000 Euro. Tình hình kinh doanh khả quan cũng giúp tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này duy trì ở mức thấp nhất Italia với 6%.

Một số chuyên gia cho rằng sự thịnh vượng của khu vực này bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của nước Cộng hoà Venice với sức mạnh kinh tế lớn nhất trục Đông - Tây cuối thời Trung Cổ. Các thương nhân tại Venito dường như sinh ra để kinh doanh với những phẩm chất tuyệt vời như: cần cù, tiết kiệm, kỷ luật, dễ thích nghi với hoàn cảnh. Hầu hết những vị trí lãnh đạo chủ chốt của công ty đều là người trong gia đình, họ làm việc cả ngày lễ và cuối tuần để cắt giảm chi phí. Thậm chí, ngay trong giai đoạn bận rộn với các đơn hàng nhất, De'Longhi cũng không để 600 công nhân phải làm ca đêm vì nó sẽ làm chi phí tiền lương tăng cao. Thay vào đó, De'Longhi đã mở rộng nhà máy ở những nơi khác như ở Rumani với chi phí nhân công chỉ bằng 75% trong nước. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân khiến Rumani trở thành sự lựa chọn của nhiều công ty đến từ Veneto.

Ngoài thị trường nội địa vốn đang chững lại vì khủng hoảng nợ công, các công ty gia đình tập trung mọi nguồn lực để phát triển tại thị trường nước ngoài. Giá trị xuất khẩu hàng hoá từ Veneto còn vượt quá cả con số tương ứng của Bồ Đào Nha trong giai đoạn khả quan nhất. De'Longhi đã bán gần 90% lượng máy pha cà phê của mình ở nước ngoài, trong khi sự hiện diện của nhiều thương hiệu thời trang Italia tại các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á,… cũng đem lại nguồn thu khổng lồ cho các công ty này.

Sự thành công mà các chuyên gia gọi là “phép màu” kinh tế tại khu vực Venice hoàn toàn có thể nhân rộng sang các khu vực khác như Napoli, Bari và Palermo để “cứu sống” Italia và cả châu Âu, vốn đang rơi vào một giai đoạn suy thoái mới.