Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kể chuyện xây dựng hồ sơ di sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

KTĐT - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PGS, TS Nguyễn Chí Bền là người "đứng mũi chịu sào" trong mọi công việc xây dựng hồ sơ. Dù đến nay, hồ sơ đã được đặt lên bàn của Tổ chức UNESCO để chờ đợi kỳ xét duyệt năm 2012, nhưng ông vẫn còn không ít trăn trở về tín ngưỡng thờ quốc Tổ.

 

- Lâu nay, người dân Việt Nam mới chỉ biết đến giá trị tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong lễ hội Đền Hùng. Là một trong những thành viên chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ để trình UNESCO, ông có thể vẽ bức tranh toàn diện hơn về những giá trị của tín ngưỡng này?


Tín ngưỡng thờ Hùng Vương phát triển phổ biến ở các làng xã tỉnh Phú Thọ. Tín ngưỡng phát triển rộng, trải khắp các làng quê. Nếu như ở thế kỷ thứ XVII, Phú Thọ có 73 làng xã thờ cúng Hùng Vương, trong đó 11 làng có sắc phong, đến nay, tín ngưỡng xuất hiện ở 122 làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện trong lễ hội làng, ví như có làng 24 tháng Chạp rước Vua về ăn Tết, có làng 8 tháng Giêng rước Chúa gái (con gái vua Hùng)… Lễ vật thờ cúng trong lễ hội làng là gà đen, bánh mật, bánh trôi, bánh chay…


- Sức sống của tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại đóng góp gì cho việc xây dựng đất nước, thưa ông?


Trong xã hội hiện đại, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là sợi chỉ đỏ liên kết cội nguồn. Vì vậy, nó là sức mạnh, là cơ sở tạo ra khối đoàn kết của dân tộc. Chúng ta chỉ cần quan sát hàng triệu người về với Đền Hùng, quan sát sự lan tỏa của tín ngưỡng này ở Trung Bộ, ở Nam Bộ và ở một số quốc gia có người Việt sinh sống, sẽ thấy sức sống của tín ngưỡng này trong xã hội đương đại như thế nào. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương có sự đồng thuận rất lớn giữa các thể chế xã hội. Người Việt thờ cúng Hùng Vương không có học thuyết và cũng không có giáo hội truyền bá, nhưng từ hàng ngàn đời nay, người Việt Nam vẫn hành hương về Đền Hùng để tri ân quốc Tổ, những người đã có công dựng nước.


- Người dân luôn là chủ thể của lễ hội. Trong lễ hội Đền Hùng, người dân trở thành khách thể. Hiện nay, nghi lễ thờ quốc Tổ đang bị hành chính hóa?


Đã nhiều thế kỷ, lễ hội Đền Hùng đều có sự tham gia của các triều đại. Triều Nguyễn, chủ trì buổi lễ tế tại núi Nghĩa Lĩnh là quan triều đình, quan tỉnh, hoặc quan huyện. Hiện nay, chủ trì lễ hội khi là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hoặc tỉnh Phú Thọ, hoặc huyện Phong Châu. Nhà nước chủ trì nghi lễ sẽ làm nghi lễ sơ cứng. Chúng ta sẽ phải nghĩ đến sức sống của lễ hội trong cộng đồng. Trở ngại cho tín ngưỡng là khắc phục được hiện tượng hành chính hóa nghi lễ để cộng đồng có vai trò to lớn trong việc thực thi tín ngưỡng thờ Hùng Vương.


-Một trong những tiêu chí của UNESCO khi công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là công tác tuyên truyền quảng bá di sản hiệu quả. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Hùng Vương mới được người dân Việt Nam biết đến qua lễ hội Đền Hùng?


Tín ngưỡng thờ Hùng Vương có nhiều thuận lợi trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Tất cả người dân Việt Nam đều thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn, thấm nhuần đạo lý biết ơn tổ tiên. Thế hệ trẻ Việt Nam có ý thức về việc thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên vai trò giáo dục của nhà trường, của cộng đồng còn rất yếu. Hiện nay, trong chương trình giáo dục chính quy của nhà trường, truyền thuyết thờ Vùng Vương chỉ có trong chương trình ngữ văn lớp 6 và lớp 10. Giáo dục như thế chưa đủ, cần phải kỹ càng hơn để có được niềm tự hào, thái độ biết ơn như mong đợi.


- Cách đây 3 năm, Bộ VHTTDL đã có kế hoạch xây dựng hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương đệ trình UNESCO. Tại sao đến tháng 3/2011, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ mới được hoàn thành?


Các nhà làm văn hóa đã từng có dự định xây dựng hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng vật thể, nhưng không khả thi. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương không còn nhiều vật thể nguyên vẹn. Quá trình khai quật đã đưa hết cổ vật về kho. Có thời điểm Nhà nước chỉ định xây dựng hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong khuôn khổ lễ hội Đền Hùng. Nhưng tín ngưỡng này phát triển mạnh ở các làng khác của Phú Thọ, không riêng gì khu vực núi Nghĩa Lĩnh. Thực tế, mãi đến năm 1917, ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (10/3 Âm lịch hàng năm) chính thức công nhận. Trước năm 1917, lễ tế diễn ra vào mùa thu.


- Hội thảo khoa học quốc tế lớn về tín ngưỡng thờ Hùng Vương tổ chức tại Phú Thọ (ngày 12 và 13/4/2011) là chiến lược quảng bá tín ngưỡng đến bạn bè quốc tế?


Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức với chủ đề "Tín ngưỡng thờ tổ tiên trong xã hội đương đại", nghiên cứu trường hợp thờ tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam. Đây là hội thảo đầu tiên ở Việt Nam về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nó đã thu hút số lượng lớn học giả quan tâm. Hiện nay, có 40 học giả đến từ 16 quốc gia khác nhau đã gửi tham luận để tham dự hội thảo. Các học giả trong nước sẽ tham gia khoảng 100 tham luận.


- Theo ông, tín ngưỡng thờ Hùng Vương có bao nhiêu phần trăm hy vọng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?


Khi xây dựng hồ sơ, chúng tôi suy nghĩ mình giống như người học trò đi thi, làm hết sức mình, chấm điểm như thế nào là ở người thầy. Như bạn biết đấy, cùng đợt xét duyệt Cồng chiêng Tây Nguyên có 64 hồ sơ di sản đệ trình nhưng chỉ có 43 di sản được công nhận; cùng đợt xét duyệt Quan họ có 111 hồ sơ di sản đệ trình và 76 di sản được công nhận, đến đợt xét duyệt Hội Gióng có 147 hồ sơ di sản đệ trình nhưng chỉ 47 di sản được công nhận. Lần này, xây dựng hồ sơ di sản có nhiều quy định mới. Phần giới thiệu giá trị di sản bị khống chế trong vòng 250 từ tiếng Anh. Giới thiệu như thế nào về cái hay, cái đẹp của di sản để cho những người chưa đến Việt Nam, ít đến Việt Nam hiểu được giá trị của nó là bài toán khó đối với chúng tôi.


- Bốn lần tham gia xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới (hồ sơ Công chiêng Tây Nguyên, hồ sơ Quan họ, hồ sơ hội Gióng, hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ), điều gì khiến ông trăn trở nhất?


Sự mai một và xuống cấp của di sản lớn hơn những điều tôi hiểu biết được. Tôi đã từng thông thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên, từng tham gia thực hiện cuốn Địa chính Gia Lai, nhưng khi đi sâu thực địa, vẫn giật mình về sự xuống cấp của di sản Cồng chiêng Tây Nguyên. Hoặc trong lần đi thực địa Sóc Sơn, chúng tôi phát hiện ra hai làng thờ thánh Gióng. Hai làng này chưa bao giờ được nhắc hay có nhà khoa học đặt chân đến. Các đình, chùa thờ Hùng Vương trong các làng xã đã xuống cấp. Cách Đền Hùng 2km, đình thờ tổ tiên biến thành nhà kho …


- Trong bốn lần chờ di sản của Việt Nam được công nhận, ông có kỷ niệm vui nào không?


Tôi đã có 3 lần đứng tim khi chờ đợi hồ sơ di sản được tổ chức UNESCO thông qua và công nhận. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần tham gia phản biện hồ sơ Cồng chiêng Tây Nguyên tại nước Ả Rập, vì ngồi lo lắng, nên khi thấy có một thành viên căng cờ phát biểu, tôi giật mình và tay chân run rẩy, nghĩ là họ sẽ phản biện loại hồ sơ của mình. Hóa ra, ông ấy đại diện nước chủ nhà chúc mừng 76 nước có di sản được công nhận, tôi thở phào.


- Xin cảm ơn ông!