Kinhtedothi - Sau hai ngày Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng mở phiên sơ thẩm xét xử lại vụ án giết mẹ chồng, dựng hiện trường giả đối với bị cáo Hoàng Thị Vấn (sinh 1969, trú tại tổ 3, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng), ngày 17/9, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Vấn mức án tù chung thân về tội "Giết người."
Đây là vụ án gây bức xúc dư luận nhất ở tỉnh Cao Bằng từ năm 2012 đến nay bởi tính chất nghiêm trọng, vấn đề đạo đức cũng như nhiều tình tiết phức tạp chưa được làm rõ khiến vụ án bị kéo dài trong nhiều năm.
Bị cáo Hoàng Thị Vấn. (Ảnh: Báo Cao Bằng)
|
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng, 6 giờ sáng 5/2/2012 (đúng ngày mùng 5 Tết Nguyên đán), Hoàng Thị Vấn và mẹ chồng là bà Triệu Thị Tiền (75 tuổi) xảy ra mâu thuẫn. Bà Tiền nói Vấn không đẻ được con trai cho gia đình nối dõi, Vấn cãi lại và bị bà Tiền dùng tay tát vào mặt. Vấn tức giận dùng búa đinh đánh vào đầu bà Tiền, khiến bà chết tại chỗ. Sau khi gây án, Vấn dựng hiện trường giả, giấu xác nạn nhân vào thùng mỳ tôm, rồi dùng dao, tự làm mình bị thương để đánh lạc hướng điều tra của cơ quan chức năng.
Sau khi hoàn tất hồ sơ điều tra, ngày 28/12/2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Hoàng Thị Vấn án tù chung thân về tội "Giết người." Không chấp nhận bản án, Hoàng Thị Vấn làm đơn kháng cáo và được Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm ngày 23/4/2013.
Tại phiên tòa này, Tòa án Nhân dân tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng điều tra lại. Sau khi điều tra lại theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Cao Bằng xác định bản chất vụ án không thay đổi và chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng truy tố Hoàng Thị Vấn về tội "Giết người".
Tại phiên tòa lần này, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị mức án tù chung thân đối với bị cáo Hoàng Thị Vấn. Tuy nhiên, Hoàng Thị Vấn tiếp tục khẳng định mình không phạm tội và cho rằng những lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra là do bị bức cung.
Trong phần tranh tụng tại Tòa, các luật sư bào chữa thuộc Văn phòng luật sư AIC, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng quá trình điều tra của cơ quan chức năng còn nhiều thiếu sót, chưa đầy đủ, bỏ lọt thông tin, các vật chứng chưa đủ thuyết phục để chứng minh bị cáo phạm tội; đề nghị tòa án tuyên vô tội và trả tự do cho bị cáo Hoàng Thị Vấn.
Khi được Tòa hỏi ý kiến của các thành viên trong gia đình nạn nhân về vụ án, tất cả các thành viên trong gia đình của nạn nhân gồm chồng, hai con trai và con gái bà Tiền đều cho rằng Hoàng Thị Vấn vô tội và đề nghị Tòa trả lại tự do cho bị cáo.
Hội đồng xét xử đã bác bỏ ý kiến của các luật sư và cho rằng các chứng cứ tại hiện trường và sự mâu thuẫn trong lời khai của Hoàng Thị Vấn đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.