Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kẽ hở quản lý và thủ đoạn của các “siêu lừa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS), thời gian qua đã xuất hiện những mánh lới, thủ đoạn lừa đảo tinh vi mà người mua nhà dễ bị "sập bẫy". Vậy, các chủ đầu tư dự án BĐS thường dùng những mánh lới gì để lừa đảo?

 “Siêu lừa”… lĩnh án

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ngày 24/2/2014 đã tuyên án với 5 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" tại Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Hương Việt (Công ty Hương Việt). Hội đồng xét xử đã tuyên án tù chung thân đối với 3 bị cáo Trần Hồng Việt (SN 1976, trú tại Vĩnh Phúc, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), nguyên Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Hương Việt), Nguyễn Khắc Toản (SN 1970, trú tại Bắc Giang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Hương Việt), Trương Hoàng Hải (SN 1978, trú tại Hà Nội). Bị cáo Hà Đức Nhơn (SN 1979, trú tại Hải Phòng, nguyên Phó TGĐ Công ty Hương Việt) lĩnh án 14 năm tù giam; Huỳnh Hoàng Bắc (SN 1975, trú tại Sóc Trăng) lĩnh 22 năm 6 tháng tù giam. Thủ đoạn lừa đảo được xác định: Công ty Hương Việt không đăng ký kinh doanh BĐS nhưng Việt và Toản đã bịa đặt đang đầu tư và có các tiêu chuẩn tại Dự án khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Việt và Toản đã bổ nhiệm Hà Đức Nhơn làm Phó TGĐ Công ty Hương Việt và ủy quyền cho Nhơn đứng trực tiếp giao dịch, ký hợp đồng, nhận tiền đặt cọc của nhiều người. Với hành vi này, 3 bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng của một số cá nhân và tổ chức…
Các "siêu lừa" của Công ty Hương Việt trước vành móng ngựa
Các "siêu lừa" của Công ty Hương Việt trước vành móng ngựa
 Ở một vụ án khác, dùng chiêu "bán nhà trên giấy", Trần Thu Huyền (61 tuổi, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội), Giám đốc Công ty CP Sơn châu Á đã chọn các dự án nhà ở có thật, đang triển khai xây dựng ở các khu "đất vàng" để làm "mồi nhử". Để tạo lòng tin với những người có nhu cầu mua nhà, Huyền đã dẫn họ đến xem các dự án nhà ở đang xây dựng, thậm chí có dự án đã vào giai đoạn hoàn thiện, như: Dự án 136 Hồ Tùng Mậu, B4 Kim Liên, Thành Công II…, Huyền đưa ra cho khách hàng các văn bản, giấy tờ có đóng dấu đỏ để chứng minh công ty của mình đã góp vốn đầu tư vào các dự án này và nhiều người đã bị "sập bẫy". Huyền cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 67 tỷ đồng của 13 cá nhân và 4 tổ chức. Với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả con dấu, tài liệu", Trần Thu Huyền phải lĩnh án tù chung thân...

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương đã tiến hành điều tra làm rõ một số vụ án điển hình khác, như: Tạ Tất Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đài Việt cùng đồng bọn làm giả tài liệu, quyết định của UBND TP Hà Nội về dự án khu đô thị mới Dương Nội để chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên 10 tỷ đồng; vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư xảy ra tại Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 có liên quan đến mua dự án đất thuộc Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5…

Nhiều bất cập cần khắc phục

Thời gian qua, trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở và vấn đề sinh lợi, các nhà đầu tư luôn tìm mọi cách để xin được cấp phép dự án, xây dựng nhà ở, kể cả trường hợp thiếu vốn, thiếu năng lực đầu tư. Chính khâu quản lý, giám sát lỏng lẻo trong việc thực hiện đầu tư các dự án BĐS đã tạo kẽ hở để các đối tượng có cơ hội vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Hiện còn một số bất cập trong các quy định của pháp luật. Cụ thể, đối tượng phạm tội chủ động tạo dựng thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại, thì việc chứng minh phạm tội theo Điều 139 BLHS (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) là rõ ràng. Nhưng trong thực tế có những vụ việc ban đầu, đối tượng thực hiện việc thu tiền của bị hại là có cơ sở, sau đó mới thể hiện hành vi gian dối nhằm chiếm dụng tiền của bị hại, thì việc củng cố chứng cứ xác định xử lý theo Điều 140 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) hoặc tội danh khác là rất khó. Khi đó, mặc dù tài sản của người dân có thể bị mất, kể cả trong việc giải quyết bằng vụ án dân sự cũng không thu hồi được…".

Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT (Bộ Công an) khuyến cáo: Để đảm bảo quyền lợi, tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo, khách hàng phải tìm hiểu cặn kẽ về dự án, chủ đầu tư, quy trình thực hiện trước khi quyết định mua bán. Chính quyền sở tại phải tích cực thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin, niêm yết công khai tiến độ thực hiện dự án. Trong quá trình chủ đầu tư triển khai dự án, nếu thấy có vấn đề bất minh, phải kiến nghị, tố giác đến cơ quan công an, đơn vị quản lý để có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời.