Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kế hoạch hòa bình chưa đem lại hòa bình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng thời với những thông báo về thắng lợi quân sự của chính phủ trong cuộc đối đầu với lực lượng ly khai ở vùng lãnh thổ phía Đông, tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã công bố kế hoạch hòa bình 14 điểm nhằm chấm dứt cuộc đối đầu quân sự ở nước này.

Ý tưởng thì rất tích cực vì qua đó thể hiện chủ ý muốn tìm kiếm giải pháp chính trị chứ không quyết tâm giải quyết vấn đề ly khai bằng quân sự. Nhưng kế hoạch này lại không thể mang lại hòa bình cho Ukraine bởi chưa thích hợp cả về nội dung lẫn cách tiếp cận giải pháp.

Gọi là kế hoạch hòa bình nhưng phần nhiều nội dung trong đó thực chất là những điều kiện mà ông Poroshenko đưa ra cho phía lực lượng ly khai. Điều kiện để thực hiện và yêu cầu phải đáp ứng đối với lực lượng ly khai chứ không phải đề nghị đàm phán hòa bình. Đó là một điểm yếu của kế hoạch hòa bình này của ông Poroshenko. Nếu chấp nhận kế hoạch hoà bình này của ông Poroshenko, phe ly khai sẽ bị coi là yếu thế và không thể không thấy mất thể diện, phải làm theo ý của ông Poroshenko chứ không phải kết quả thỏa thuận giữa 2 bên.

Điểm yếu của kế hoạch hòa bình này của ông Poroshenko là áp đặt định hướng giải pháp bình ổn tình hình chính trị an ninh chứ không phải mở ra tiến trình đàm phán để có được giải pháp chính trị, có nghĩa là không đặt hòa bình, an ninh và ổn định xã hội của đất nước trên nền tảng hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự. Vì thế cho nên sẽ không thể có được giải pháp chính trị bền vững mà nhiều lắm thì cũng chỉ có thể có được giải pháp tình thế giúp giảm căng thẳng chứ không đưa lại hòa bình bền vững.

Kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko có thể sẽ bị phá sản nếu không được Nga hậu thuẫn và đóng vai trò đáng kể trong quá trình thực hiện. Tới nay, Nga đã tỏ ra thiện chí với chính thể mới ở Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là Moscow sẽ hợp tác vô tư với chính thể này trong việc giải quyết cuộc xung đột nội bộ hiện tại của chính quyền Kiev.