Kế hoạch tái chế xỉ, tro công nghiệp làm vật liệu xây dựng: Chưa hoàn thành mục tiêu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trong các công trình xây dựng theo Quyết định số 452/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện tại mục tiêu của Đề án đặt ra chưa đạt được. Khó khăn về công nghệ và nguồn vốn là nguyên nhân của thực tế này.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, cả nước hiện có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng hơn 13 triệu tấn/năm, trong đó, tro bay chiếm từ 80 - 85%. Lĩnh vực sản xuất phân bón cũng tạo ra một lượng lớn bã thải thạch cao PG.
Hiện nay, để sản xuất ra 1 tấn axít phosphoric sẽ thải ra khoảng 4,63 tấn PG. Tổng lượng phát thải thạch cao PG khoảng 2,35 triệu tấn/năm, chủ yếu từ 3 nhà máy DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng), DAP số 2 (Lào Cai), DAP Đức Giang - Lào Cai. Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất axit phosphoric có quy mô nhỏ khác cũng phát thải ra bã thải thạch cao gyps.
Ngành nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Theo tính toán thiết kế của các nhà máy nhiệt điện, nếu sử dụng than cám trong nước để sản xuất ra 1 KWh điện sẽ tiêu tốn khoảng 0,5kg than và thải ra khoảng 0,18kg tro, xỉ, thạch cao FGD. Và trên thực tế, do nguồn than đầu vào, điều kiện vận hành, lượng tro, xỉ thải ra có thể lớn hơn.
Theo Bộ Xây dựng, sau hơn 3 năm triển khai Đề án 452, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trong cả nước khoảng 34,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm. Tổng khối lượng tro, xỉ hiện lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy còn khoảng 47,65 triệu tấn.
Việc tái chế xỉ, tro công nghiệp làm VLXD còn khó khăn về công nghệ, vốn và thị trường (Ảnh minh họa).
Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn (70%); sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn (12%); làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, đường bê tông xi măng vùng nông thôn và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn (8%) và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông khoảng 3,5 triệu tấn (9%).
“Như vậy, lượng tiêu thụ tro, xỉ chưa đạt được mục tiêu đặt ra của Đề án 452 cả về tổng lượng và cơ cấu tiêu thụ cho các lĩnh vực khác nhau. Với lượng chất thải tồn lớn nói trên, nhiều nhà máy đang đứng trước nguy cơ lấp đầy bãi thải” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết công nghệ sử dụng để tái chế tro, xỉ, thạch cao đều do các đơn vị trong nước tự nghiên cứu, chế tạo, quy mô nhỏ, mức độ hiện đại chưa cao, số lượng các nhà đầu tư tái chế còn ít, hiệu quả của việc đầu tư tái chế chưa rõ. Thói quen sử dụng vật liệu tái chế và vấn đề tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng vẫn chưa đồng bộ... Do vậy, chất lượng các sản phẩm được tái chế từ tro, xỉ, thạch cao chưa ổn định, giá thành sản xuất cao, khó khăn trong khâu tiêu thụ.
“Hiện nay, số lượng nhà đầu tư vào các nhà máy tái chế còn ít, hiệu quả chưa cao nên thực tế để khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn khó khăn. Cùng với đó là hệ thống chính sách cũng chưa có quy định rõ ràng về mức độ ưu đãi đối với doanh nghiệp khi đầu tư. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể hơn về những chính sách ưu đãi của Nhà nước cho nhà đầu tư tái chế từ việc đầu tư đến tìm đầu ra cho sản phẩm” – Giám đốc Nhà máy Nghiền sàng đá và cát nhân tạo Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu nhìn nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần