Câu chuyện về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dù đang chờ các cơ quan chức năng kiểm tra kết luận đúng sai, nhưng thêm lần nữa đòi hỏi cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn, để việc kê khai tài sản không còn là hình thức.
Kê khai nhiều, vi phạm ít
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận không trung thực. Năm 2016, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng cũng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Như vậy, tất cả đều được thực hiện một cách… đúng quy định.
Nhiều người thân Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ những vị trí chủ chốt sau cổ phần hóa tại Điện Quang. |
Thế nên khi “tài sản trăm tỷ” của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa được hé lộ, dư luận không khỏi bất ngờ. Sau khi nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo làm rõ. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Việc đúng sai còn chờ kết luận của cơ quan chức năng, tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn với câu hỏi liệu rằng còn bao nhiêu câu chuyện như cổ phần hóa tại Điện Quang với toàn người trong gia đình nắm vị trí chủ chốt trong DN Nhà nước sau cổ phần hóa? Liệu rằng việc kê khai tài sản trước và sau khi được bổ nhiệm có chính xác, có ý kiến nào không trước khối tài sản khổng lồ ấy?
Đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 cũng khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp. Chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.
Cũng theo Ủy ban Tư pháp, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Cụ thể giải pháp, quyết liệt thực thi
Nhìn ra được hạn chế như vậy, nhưng nhiều năm qua, các cơ quan chức năng rất lúng túng để việc này được thực hiện đúng thực chất. Trên diễn đàn, rồi bên lề nghị trường Quốc hội, không ít đại biểu đã bày tỏ chính kiến, nói gay gắt về tình trạng kê khai “cho có”, nhưng tiếc là đến năm sau, mọi chuyện… vẫn như vậy. Theo ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức phải nằm trong tổng thể của nền quản trị xã hội, nền kinh tế thông qua giao dịch ngân hàng, vấn đề sử dụng tiền mặt, chính sách thuế... “Như ở các nước, không phải chỉ mình cán bộ, công chức mà người dân cũng chịu sự kiểm soát và Nhà nước kiểm soát được thì đó mới là điều quan trọng. Chứ như hiện nay, tài sản, thu nhập như cái bình thông nhau, chúng ta bịt chỗ này nó chảy chỗ kia, không thể phát huy được hiệu quả” - ông Minh nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ở nước ngoài, các giao dịch kinh tế đều thông qua tài khoản ngân hàng nên việc quản lý và phát hiện tội phạm rất dễ. Nhưng ở Việt Nam, do sử dụng tiền mặt còn phổ biến, công tác này vẫn khó khăn. Trong khi đó, chỉ khi theo dõi sát sao được biến động tài sản mới nhận biết được dấu hiệu giàu bất thường. Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để thực hiện hiệu quả các đề xuất nêu trên, cần có quy định chặt chẽ về việc thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng đối với các tài sản có giá trị (chẳng hạn từ 50 triệu đồng trở lên). Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế cho việc kết nối thông tin giữa bản kê khai tài sản, thu nhập với bản kê khai thu nhập cá nhân, các giao dịch ngân hàng, các đăng ký quyền sử dụng bất động sản…
Một bất cập khác hiện nay là việc công khai bản kê khai tài sản được thực hiện theo hai hình thức là: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hàng năm. Chính phạm vi hẹp trên nên không phát huy được hiệu quả trong việc giám sát của quần chúng và dư luận xã hội. Vì thế, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần phải có cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia, giám sát việc kê khai tài sản.
Khi còn là đại biểu Quốc hội, không ít lần ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cũng đã có ý kiến mạnh mẽ về việc này. Ông Tiến nói: Chúng ta cứ tuyên truyền phát huy vai trò “tai mắt” của Nhân dân, nhưng việc tạo cơ chế cho Nhân dân phòng chống tham nhũng còn khiêm tốn. Ô tô, biệt thự không phải là cái kim, sợi chỉ mà người dân không biết. Phải công khai tài sản công chức ở nơi cư trú và nơi công tác thì các cử tri, cán bộ công chức dưới quyền mới nắm được và hơn nữa, chúng ta sẽ có thêm những kênh thông tin phản hồi tích cực từ khu dân cư. Ngoài ra, phải quy định chi tiết nghĩa vụ giải trình tài sản mới kiểm soát được, đặc biệt là phần tăng thêm của quan chức, kể cả khi đã nghỉ hưu.
Hội nghị T.Ư 3 (Khóa XII) đã chính thức giao cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư giám sát, kiểm tra việc kê khai và công khai tài sản của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây được coi là bước tiến mới trong công tác tổ chức, là giải pháp quan trọng không chỉ khắc phục tình trạng hình thức trong thực hiện kê khai tài sản, và còn là giải pháp tích cực, tạo ra bước chuyển mới trong công tác phòng chống tham nhũng. Bởi, tùy theo chức vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở T.Ư, địa phương đều thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, kể cả người đã nghỉ hưu. Bởi từ nay, việc yêu cầu khai báo, nắm tài sản của cán bộ đã thuộc về một cơ quan có chức năng giám sát.
Khi có một cơ quan độc lập, đủ thẩm quyền; khi đối tượng kê khai được thu hẹp; việc kê khai đã trọng tâm trọng điểm; khi trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đã rõ ràng thì sẽ khắc phục được tình trạng “kê khai cho có, kê xong để hộc bàn”; khắc phục vòng luẩn quẩn “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa là cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai lại vừa quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập của họ như đã tồn tại hàng chục năm qua. Người dân đặt niềm tin vào sự công tâm, sự thay đổi mang tính đột phá trong công tác tổ chức, cơ chế thực hiện kiểm tra, kiểm soát để phòng và ngăn ngừa tham nhũng; để không còn những con số gây nhói lòng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng ở giai đoạn tiếp theo.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mì: Đừng kê khai mà không công khai Hiện giải pháp được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng là kê khai tài sản, nhưng còn quá hình thức. Chúng ta thực hiện kê khai rất nhiều, nhưng lại không công khai rộng rãi nên không hiệu quả, thậm chí tốn thời gian, tốn giấy, tốn mực, tốn tủ mà đựng. Một triệu người kê khai khó có thể thẩm định hết, nhưng chí ít những diện cán bộ nằm trong quy hoạch, được đề bạt, luân chuyển thì phải làm chặt chẽ chứ. Nếu đã làm phải làm quyết liệt, thực chất, không sẽ làm mất lòng tin của người dân. Bà Nguyễn Phương Dung (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa): Làm gì mà khó thế Tôi nghĩ việc kiểm soát kê khai tài sản cũng không đến nỗi quá khó, quan trọng là chúng ta có muốn làm quyết liệt, đến nơi, đến chốn không. Cái này quan chức phải làm trước, gương mẫu thực hiện. Lãnh đạo lương bao nhiêu, phụ cấp bao nhiêu có thể tính được hết, sao lại có biệt thự, xe sang. Nếu “anh” bảo nhờ người nhà kinh doanh thì cơ quan chức năng cũng có thể làm rõ họ kinh doanh gì, có liên quan gì đến chức vụ của “anh” không, mỗi năm thu nhập bao nhiêu, nộp thuế thế nào. Mà không lẽ quan chức nào cũng có người nhà kinh doanh, cũng có tài sản thừa kế, cái này phải làm rõ. |