Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kênh hữu hiệu giúp nông dân thoát nghèo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong nhiều kênh tín dụng giúp nông dân vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, có lẽ kênh ủy thác cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thông qua Hội nông dân (ND) là kênh vay vốn đơn giản, thiết thực và hiệu quả.

Sau 10 năm hoạt động, đến nay, dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH thông qua Hội ND Hà Nội đạt tổng dư nợ hơn 961 tỷ đồng với 67.357 hộ.

Tăng thu nhập nhờ vốn ưu đãi

Năm 2005, gia đình anh Mai Thế Khẩn ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai thuộc diện hộ nghèo. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng CSXH thông qua Hội ND Hà Nội, đến nay anh đã là chủ của một cơ sở sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt với hơn 20 công nhân với doanh thu vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ có phường Thanh Trì, tại nhiều phường của quận Hoàng Mai như Hoàng Liệt, Lĩnh Nam..., nhờ nguồn vốn này mà từ nhiều năm nay đã có hàng trăm hộ nông dân chuyển đổi được nghề nghiệp, có thu nhập ổn định.
 
Kênh hữu hiệu giúp nông dân thoát nghèo - Ảnh 1
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm mô hình cây cảnh của anh Nguyễn Văn Chí, thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.  Ảnh: Nam Bắc

Đặc biệt, tại phường Lĩnh Nam, có rất nhiều mô hình kinh tế như trồng rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, cây cảnh phát triển, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Theo bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội ND Hà Nội, trong 10 năm qua nhờ có nguồn vốn, đã có hàng vạn nông dân vươn lên phát triển kinh tế; góp phần làm tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo trên địa bàn TP.

Trong đó, nhiều huyện làm tốt công tác này như: Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoàng Mai, Hà Đông...

Tiếp tục đổi mới

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng hoạt động phối hợp triển khai công tác vay vốn còn một số hạn chế. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác vay vốn của Ngân hàng CSXH thông qua Hội ND vừa diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc cho vay các nguồn vốn ưu đãi mới chỉ tập trung ở hội viên, chưa mở rộng ra đến toàn thể nông dân.

Tỷ lệ hộ nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn còn thấp. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở một số nơi còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò cầu nối giữa tổ chức Hội và nông dân.Ông Nguyễn Kim Phung, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội cho rằng, việc tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác của Hội ND Hà Nội còn chưa toàn diện, đầy đủ.

 Ngoài ra, công tác đào tạo, tập huấn cán bộ hội, cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn ở một số nơi chưa chủ động. Một số nơi chưa xây dựng được quy chế quản lý, sử dụng phí ủy thác, chưa thực hiện tốt công tác kế hoạch và quyết toán phí ủy thác hằng năm theo quy định quản lý tài chính hiện hành...

Để hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt hiệu quả, bà Dương Thị Hằng cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới công tác tham mưu; nâng cao chất lượng tham mưu trong việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm mô hình cây cảnh của anh Nguyễn Văn Chí, thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.  Ảnh: Nam Bắc

 
Hội ND Hà Nội là một trong hai tổ chức chính trị xã hội có dư nợ ủy thác lớn nhất với gần 1.000 tỷ đồng, các tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội đã nhanh chóng đưa vốn ưu đãi đến với hội viên. Bên cạnh đó, Hội là lực lượng nòng cốt trong việc kiểm tra, giám sát, bình xét hộ hội viên nghèo để cho vay đúng đối tượng.
 
Ông Nguyễn Kim PhungPhó Giám đốc Ngân hàng CSXH Hà Nội