Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kéo co truyền thống: Di sản liên quốc gia đầu tiên của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào khoảng 17 giờ 15 phút (theo giờ Việt Nam) ngày 2/12, tổ chức UNESCO đã vinh danh di sản kéo co truyền thống của các nước: Campuchia, Philipine, Hàn Quốc và Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể xuyên quốc gia của thế giới.

Kéo co truyền thống là Di sản liên quốc gia
Kéo co truyền thống là Di sản liên quốc gia
Đây là hồ sơ liên quốc gia, Việt Nam phối hợp với Campuchia, Philippines, Hàn Quốc xây dựng. Ở Việt Nam, kéo co truyền thống còn được ghi dấu ở quận Long Biên, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia: Kéo co truyền thống khác trò chơi kéo co thông thường, kéo co thể thao. Kéo co nghi lễ là cột linh ngang thể hiện âm dương rất rõ ràng. Người thực hành nghi lễ này cầu mong sự sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt. Trong nghi lễ đó thể hiện tầng sâu của văn hóa phi vật thể niềm hy vọng cho tương lai của làng xóm láng giếng”.

Không chỉ ở Việt Nam mà kéo co truyền thống tồn tại ở nhiều nước Đông Nam Á như: Malaysia, Philippines… “Mấy nước họp lại với nhau xem các nghi lễ kéo co, chúng tôi giật mình về nền tảng của văn hóa Đông Nam Á hàm chứa trong nghi lễ kéo co” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.

Tại Hội đền Trấn Vũ (thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) được tổ chức vào ngày 3/3 Âm lịch, nghi lễ kéo co ngồi vẫn được tổ chức. Ông Ngô Quang Khải - Trưởng BQL di tích đền Trấn Vũ cho biết, không đơn giản như kéo co thể thao mọi người lầm tưởng, nghi thức này đòi hỏi nhiều yếu tố chặt chẽ từ việc chọn người, thực hành nghi lễ. “Nghi lễ xuất phát từ tích làng Ngọc Trì hạn hán, 12 giếng cạn hết chỉ còn một giếng còn nước, sợ người xóm khác lấy nước nên người xóm có nước ngồi xuống ôm thùng nước. Sau này trở thành tích kéo co ngồi để trình diễn, cầu mong mưa thuận gió hòa”, ông Khải cho biết.

Nghi lễ kéo co trở thành di sản phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được thế giới vinh danh, nhưng là di sản liên quốc gia đầu tiên mà mảnh đất hình chữ S sở hữu.