Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kéo giảm tội phạm vị thành niên: Lời giải nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án liên quan tới tội phạm ở lứa...

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án liên quan tới tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Hệ lụy của tội phạm này gây ra nỗi đau cho không những gia đình mà cả xã hội. Và câu hỏi đặt ra là giải pháp mấu chốt, lâu dài nào để kéo giảm loại hình tội phạm này.

Gia tăng hành vi phạm tội nghiêm trọng

Theo bà Hồ Xuân Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, ý thức tự nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật của thanh thiếu niên chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kiến thức pháp luật trong cuộc sống. Vì vậy, công tác tiếp cận để tuyên truyền giáo dục pháp luật còn khó khăn. Việc tuyên truyền mới chỉ chủ yếu ở những đối tượng thanh thiếu niên có ý thức cao, còn đối tượng thanh thiếu niên tự do, có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ cao vi phạm pháp luật đều rất khó tiếp cận để tìm biện pháp tuyên truyền phù hợp.

 
Ba đối tượng đều từ 16 - 17 tuổi gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản trên địa bàn Hà Nội, bị Công an quận Hoàng Mai bắt giữ hồi tháng 6/2015.     Ảnh: Kim thạch
Ba đối tượng đều từ 16 - 17 tuổi gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản trên địa bàn Hà Nội, bị Công an quận Hoàng Mai bắt giữ hồi tháng 6/2015. Ảnh: Kim thạch
Theo báo cáo của Tòa án TP, năm 2010 có 262 vụ, với 353 bị can là thanh thiếu niên; năm 2011: 291 vụ, 413 bị can; năm 2012: 346 vụ, 455 bị can; năm 2013: 222 vụ, 308 bị can; năm 2014: 221 vụ, 310 bị can; từ đầu năm đến hết tháng 8/2015: 122 vụ, 155 bị can. Như vậy, việc thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hình sự có xu hướng giảm (đạt tỷ lệ giảm khoảng 13% so với năm 2010).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an TP, thời gian gần đây, trên toàn TP Hà Nội phát hiện, xử lý 1.074 vụ vi phạm pháp luật hình sự do người chưa thành niên gây ra, với 1.700 đối tượng vi phạm. Trong đó, xử lý hình sự 657 vụ, 966 đối tượng, xử lý hành chính 417 vụ/734 đối tượng. Hành vi phạm tội tập trung vào 12 loại tội danh: Giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, mua bán, tàng trữ ma túy, môi giới mại dâm. Qua số liệu thống kê, hành vi phạm tội do nhóm tội phạm lứa tuổi vị thành niên gây ra không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm nhỏ mà rất đa dạng, phức tạp, trong đó có nhiều hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mang tính bột phát, manh động cao. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên.

Tăng cường giáo dục ý thức

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1,7 triệu học sinh; đòi hỏi công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên trong các trường học triển khai nghiêm túc trong các hoạt động phong trào hay hoạt động dạy học. Trong công tác giảng dạy, tất cả các trường học đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các tiết dạy giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa ở các cấp học, bậc học theo quy định của Bộ GD&ĐT; thực hiện nghiêm quy định giảng dạy lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh các bậc học đối với các môn: Đạo đức, Giáo dục công dân, Chính trị; xây dựng nhiều chuyên đề tuyên truyền pháp luật, ATGT... Bên cạnh đó, các trường tăng cường tổ chức các buổi thực hành, hội thảo giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; các hoạt động hướng vào việc tự giác chấp hành pháp luật trong thực tiễn cuộc sống.

Công an TP là đơn vị trực tiếp tuyên truyền PBGDPL cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP, phối hợp với Sở GD&ĐT, tổ chức các đoàn thể để thực hiện việc PBGDPL trong các trường học. Hiện, Công an TP đã phối hợp với 80 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, phổ biến cho 72.000 sinh viên, tổ chức 13 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự, ATGT cho học sinh, sinh viên, thu hút gần 10.000 học sinh, sinh viên tham gia.

Bà Hương nhấn mạnh, cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL, đổi mới nội dung, phương pháp PBGDPL. Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho thanh thiêu niên cần phong phú, đa dạng hơn. Nội dung tuyên truyền, PBGDPL đổi mới theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật mà phải mang tính thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm trang bị phương pháp luận cần thiết, làm cơ sở trong việc nâng cao khả năng nhận thức và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần phải tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tăng cường PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên.
 
Mỗi năm, quận Thanh Xuân có gần 1.000 thanh thiếu niên được PBGDPL thông qua 2.200 buổi tuyên truyền, học tập, sinh hoạt cộng đồng, hoặc các hoạt động khác như CLB Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, Tuổi trẻ với pháp luật, Thanh niên với pháp luật... được thành lập tại các phường. Qua các hoạt động trên, nhận thức của thanh thiếu niên được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên có nhiều chuyển biến. - Bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân