Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả xếp hạng đại học: Chỉ là thông tin tham khảo

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù nhiều trường có trong danh sách xếp hạng đại học (ĐH) 2016 – 2017 phản đối về vị trí thứ hạng, nhưng TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, cho dù tiêu chí đưa ra chưa thật chính xác nhưng việc làm này đáng khuyến khích.

 TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT
Ông có bất ngờ với kết quả xếp hạng mà Nhóm xếp hạng ĐH Việt Nam mới công bố ngày 6/9 vừa qua?
- Tôi không bất ngờ. Thế giới có các nhóm tác giả xếp hạng, dựa trên nguyên tắc định ra một số tiêu chí rồi dựa vào đó thực hiện. Các nhóm tác giả có thể lựa chọn những tiêu chí khác nhau để làm. Tất nhiên, kết quả xếp hạng của từng nhóm sẽ không giống nhau. Vì thế, với kết quả xếp hạng của Nhóm Xếp hạng giáo dục ĐH Việt Nam, chúng ta không ngạc nhiên với chuyện ĐH Bách khoa Hà Nội bị đứng ngoài top cao. Nếu Nhóm này lấy tiêu chí tỷ lệ lớn sinh viên ra trường có việc làm cũng như thu nhập cao, các trường công an, quân đội sẽ đứng đầu bảng.

Nhưng tôi thấy, Nhóm này lấy tiêu chí 40% nghiên cứu khoa học (NCKH), 40% hoạt động đào tạo, 20% về cơ sở vật chất và quản lý là chưa ổn. Hoạt động đào tạo chưa thể được đánh giá chính xác vì có những trường tên tuổi nhưng ở mảng này không thực sự đã tốt. Thực tế, có những trường sống bằng bề dày, tên tuổi của mình. Nhưng, lại có trường mới thành lập, rất nghiêm túc trong quản lý quy trình đào tạo nên kết quả đánh giá lại cao... Tôi thấy những sự so sánh đó là khập khiễng.
 Giờ thực hành của sinh viên khoa Điện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.   Ảnh: Thanh Hải 
Vậy, khi nhóm đưa ra tỉ trọng 40% căn cứ vào các công bố quốc tế để xếp hạng các trường, liệu có phù hợp?

- Tôi nghĩ Nhóm này căn cứ vào tiêu chí thế giới đối với các ĐH nghiên cứu để áp cho Việt Nam, trong khi ở ta chưa có ĐH nghiên cứu thực sự. Hơn nữa, cách gọi và phân loại của Việt Nam hiện nay còn đang rất lúng túng. Vì thế, ngay việc các tác giả lấy tiêu chí ĐH nghiên cứu áp cho các trường ĐH của Việt Nam đã có trục trặc rồi. Đa số các trường ĐH Việt Nam có tỉ lệ bài viết công bố quốc tế rất ít, chỉ một số trường lớn mới thực hiện được. Đặc biệt, trường ĐH Tôn Đức Thắng có tỷ lệ bài viết ISI cao nhưng vị thế học thuật, hoạt động đào tạo lại chưa thật sự tương xứng. Bởi họ có chính sách đầu tư đặc biệt để kích thích cán bộ trong trường nghiên cứu, viết bài đăng trên các tạp chí ISI. Áp tiêu chí lấy 40% NCKH cho ĐH nghiên cứu trong khi các trường Việt Nam chủ yếu theo hướng ứng dụng và thực hành là không chính xác.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Lê Thị Thu Thủy: Kết quả nghiên cứu hạn chế về tiêu chí, nguồn dữ liệu

Trường ĐH Ngoại thương và cá nhân tôi không bình luận về kết quả xếp hạng của một nhóm nghiên cứu độc lập mà chỉ coi đó là ý tưởng hay của nhóm nghiên cứu khi đề cập đến vấn đề xếp hạng các trường ĐH tại Việt Nam. Kết quả xếp hạng vì thế chỉ là thông tin tham khảo, bởi ngay cả đối với nhóm nghiên cứu họ cũng thừa nhận hạn chế về tiêu chí, tỉ trọng, nguồn dữ liệu xếp hạng. Kết quả này có tính thuyết phục hay không đối với cộng đồng và trường ĐH thì nó thể hiện qua tiêu chí đánh giá bao quát được toàn bộ các mảng hoạt động của nhà trường ĐH. Nếu tiêu chí đánh giá, dữ liệu và các chỉ số đánh giá bao quát được và mang tính thuyết phục thì xã hội cũng như các trường ĐH sẽ tin tưởng và sử dụng kết quả đó để làm căn cứ để hoàn thiện chất lượng đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cũng như, về mặt xã hội, phụ huynh, học sinh, người học có căn cứ để lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp.
Ngay sau khi Nhóm công bố kết quả xếp hạng, đã có trường hot bị đứng ở thứ hạng thấp đã phản ứng. Cách làm này liệu có phù hợp?

- Đây là phản ứng quá đáng, nhất thời. Thực ra, nhóm tác giả đưa ra một số tiêu chí, ai cảm thấy phù hợp sẽ biết mình ở vị trí nào trong bảng xếp hạng. Còn trường nào thấy tiêu chí không thích hợp, nếu có khả năng thì tạo ra bộ tiêu chí khác phù hợp để thực hiện. Dù sao, việc làm của Nhóm này nên khuyến khích, nhất là khi lần đầu tiên Việt Nam mới có một bảng xếp hạng như vậy.

Những tiêu chí nào được cho là phù hợp để xếp hạng các trường ĐH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Để làm được việc này cần có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước am hiểu các trường. Sau khi các nhà nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí sẽ công bố công khai, những trường nào tâm đắc, thừa nhận thì kê khai thông tin theo yêu cầu để thực hiện xếp hạng. Kết quả xếp hạng sẽ giúp các trường nhìn thấy được mình đứng ở đâu trong nhóm, như thế có tác dụng tích cực hơn.

Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm có nên là tiêu chí quan trọng nhất để xếp hạng trường ĐH?

- Tôi nghĩ nó cũng là một tiêu chí quan trọng. Nhưng nếu nhấn mạnh quá mức sẽ trở nên thực dụng, không tốt.

Có ý kiến cho rằng xếp hạng ĐH là “con dao hai lưỡi”, bởi các trường biết tiêu chí nào thì sẽ tập trung đầu tư. Vậy có nhất thiết phải xếp hạng các trường ĐH?

- Theo Luật Giáo dục ĐH, Nhà nước sẽ xếp hạng các trường, không phải nhóm cá nhân, cơ quan báo chí, tổ chức phi chính phủ. Đây là quan niệm khác lạ so với thế giới. Thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT xếp hạng các trường ĐH và có chính sách đối xử khác nhau. Chính vì cách làm như thế, nên mấy năm rồi, Bộ GD&ĐT vẫn không làm được xếp hạng giáo dục ĐH, cho dù Chính phủ đã có nghị định về việc này.

Với kết quả xếp hạng của Nhóm Xếp hạng các trường ĐH Việt Nam, có là thông tin để mọi người sử dụng?

- Về mặt Nhà nước không nên xem đây là tiêu chí để đánh giá các trường. Các trường chỉ nên tham khảo mình đứng ở đâu nếu cảm thấy những tiêu chí đó là phù hợp với mình. Có nghĩa, bản thân tự soi cho mình chứ không phải là người này soi với người khác, người này bình người khác. Và càng không nên xem kết quả xếp hạng để đánh giá các trường.

Xin cảm ơn ông!

Trưởng khoa Sau Đại học, Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng: Việc xếp hạng các trường có vấn đề

Nhóm Xếp hạng các trường ĐH Việt Nam cho biết đã đưa ra những tiêu chí xếp hạng phù hợp với Việt Nam nhưng thực tế chưa phải như vậy. Thứ nữa, thiếu dữ liệu; số liệu để làm căn cứ xếp hạng không minh bạch, cập nhật. Nhóm đưa ra tỉ lệ 40% NCKH, khối trường khoa học cơ bản và kỹ thuật có lợi thế hơn so về công bố quốc tế so với các trường kinh tế, xã hội và nhân văn. Vì công bố quốc tế ít là lý do dẫn đến những trường top đầu về kinh tế (ngành nghề hấp dẫn, sinh viên giỏi muốn vào nhiều, điểm chuẩn cao) lại đứng ở thứ hạng thấp. Học viện Nông nghiệp lĩnh vực nghiên cứu nông – lâm có nhiều đề tài, chương trình công bố quốc tế lại đứng thứ hạng cao. Trong khi, điểm đầu vào của Học viện này thấp, chỉ hơn sàn của Bộ GD&ĐT quy định.

Việc Học viện Ngân hàng xếp ở thứ hạng bao nhiêu trong bảng xếp hạng này không đáng ngại lắm. Tuy nhiên, mình cũng phải thấy được điểm hạn chế để phấn đấu. Ví dụ, Học viện đang chú trọng vào quy mô nên đầu tư cho mảng khoa học công nghệ chưa xứng tầm. Với kết quả xếp hạng này, mình dùng để tham khảo. Tất nhiên, với những cái mình thấy phù hợp thì nhìn vào đó để phấn đấu.