Kinhtedothi - Tại buổi họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cuối giờ chiều 4/7 – cũng là kết thúc ngày thi cuối cùng với 2 môn Lịch sử và Sinh học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - Phó Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 khẳng định: Kỳ thi là phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới. Kết quả thi sẽ tốt hơn Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc tốt đẹp, thể hiện sự thành công trên 2 phương diện: Chủ trương đổi mới thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; Hiệu quả sự phối hợp tổ chức kỳ thi giữa các trường ĐH và địa phương. Cụ thể, việc cấp điện cho các điểm thi được bảo đảm ở các vùng miền; kể cả về an toàn thực phẩm; thí sinh (TS) tập trung ở các TP lớn không nhiều, nên điều kiện về hạ tầng cũng tốt. Kỳ thi có sự hỗ trợ của gần 75.000 thanh niên, tình nguyện viên; suất ăn miễn phí cho TS và người nhà vượt xa nhu cầu; các địa phương còn chủ động tổ chức đưa đón TS ở vùng sâu, xa, biên giới hải đảo đến các điểm thi... "Tất cả tạo nên môi trường thân thiện để TS vào phòng thi bình tĩnh, tự tin, phấn khởi, chắc chắn kết quả thi năm nay sẽ tốt hơn" - ông Ga khẳng định.
Thứ trưởng cũng cho hay, việc ra đề thi được Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề, đến soạn thảo, in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi. Đề thi đạt được yêu cầu với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, có tính phân loại rất cao. Câu hỏi trong đề thi chia nhiều mức độ, như vậy sẽ có phổ điểm thi rộng hơn, giúp các trường ĐH dễ tuyển sinh. Đáng nói là tỷ lệ TS đến dự thi năm nay đạt gần 99%, số bỏ thi chủ yếu rơi vào nhóm TS thi lại. Tất cả TS, kể cả trường hợp ốm đau phải cách ly, không tự viết bài được, cũng được các hội đồng thi tạo điều kiện để tham dự kỳ thi. Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo công tác chấm thi, để đến 20/7 các cụm thi hoàn thành và chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT đối chiếu, sau đó 120 cụm thi sẽ công bố kết quả thi. Áp lực thi cử sẽ giảm dần Khá nhiều vấn đề được đặt ra với lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại cuộc họp báo như: Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên chấm thi, hướng ra đề thi trong những năm tới, giao kỳ thi THPT cho sở GD&ĐT tổ chức... Song nổi lên là vấn đề: Bộ có nên tổ chức một loại cụm thi khi môn thi Lịch sử có tới 71 TS bị đình chỉ thi, còn cụm thi địa phương chỉ có một trường hợp? Phải chăng việc coi thi ở cụm địa phương có nới lỏng? Trả lời câu hỏi này, ông Ga cho biết: “Ban chỉ đạo kỳ thi đã đi kiểm tra, cụm thi do địa phương chủ trì rất chặt chẽ. Bởi ở đó một phòng thi luôn có giáo viên do trường ĐH phối hợp và một giáo viên phổ thông, TS tôn trọng quy chế, giám thị thực thi nghiêm quy chế. Nên tôi tin chắc mức độ nghiêm túc của các cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì hoàn toàn không khác các cụm thi do trường ĐH chủ trì”. Liên quan đến đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm sau, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sau kỳ thi này Bộ sẽ gấp rút tổ chức họp với các sở và các trường, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và toàn xã hội để xác định phương án tốt nhất. Sẽ đổi mới theo hướng nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, nhưng không gây áp lực đối với TS và gia đình, xã hội. Có thể đầu năm học tới, Bộ sẽ đưa ra “sườn” cho đổi mới kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH những năm tiếp theo. “Bây giờ còn sớm để nói phương án, giao hay không giao cho các sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp hay không, vì phải có nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên những kết quả đạt được trong hai năm đổi mới vừa qua hết sức căn bản để chúng ta tiếp tục thực hiện đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ” – ông Ga khẳng định.
Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn thi Lịch sử sáng 4/7. Ảnh: Phạm Hùng |
Ông Đào Tuấn Đạt - Quản lý trường THPT Anhxtanh: Phổ điểm thi sẽ đẹp hơn Đề thi THPT quốc gia năm 2016 phân hóa cao, có độ khó tương đương với đề của năm 2015. Đề thi đạt được 2 mục đích: Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Đề các môn trắc nghiệm đảm bảo cấu trúc phù hợp, các môn thi tự luận, câu hỏi được sắp xếp theo trật tự từ dễ đến khó, trong đó câu hỏi khó còn tách thành các ý nhỏ, tạo điều kiện cho TS kiếm điểm. Với cách ra đề thi như năm nay, phổ điểm thi sẽ theo hình chuông rất đẹp, sẽ có nhiều 6 và 7, thuận lợi cho việc tuyển sinh ĐH và CĐ. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức thi, tôi nghĩ không nhất thiết phải có một buổi TS đến tập trung làm thủ tục dự thi. Bởi Giấy báo dự thi đã được gửi cho TS, có thể từ chiều hôm trước, TS đến địa điểm thi, phòng thi để làm quen. Còn quy chế thi thì phải được học từ trường THPT, chứ không phải đến phòng thi rồi giám thị mới phổ biến. Thí sinh Nguyễn Đắc Minh, quận Hoàn Kiếm: Thí sinh thoải mái tâm lý Năm thứ hai tham gia thi THPT quốc gia, em nhận thấy cách tổ chức thi năm nay thuận tiện cho TS. Năm 2014 trở về trước, có 2 kỳ thi, một kỳ thi tốt nghiệp THPT và một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ với 3 đợt thi, khiến TS mệt mỏi và áp lực, căng thẳng. Khi Bộ GD&ĐT gộp 2 kỳ thi làm 1, đặc biệt điều chỉnh TS ở địa phương nào thi ở nơi đó, TS đỡ phải đi lại xa xôi, có nhiều thời gian nghỉ ngơi và ôn tập. Nhưng quan trọng hơn cả là TS có tâm lý thoải mái làm bài thi. Chị Trần Thu Tâm, huyện Thường Tín: Hài lòng với cách tổ chức thi Trong 3 ngày chở con từ huyện Thường Tín đến điểm thi tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, tôi nhận thấy công tác tổ chức thi năm nay quy củ hơn rất nhiều so với năm trước. Ở cổng trường thi, sinh viên tình nguyện xếp hàng làm thành hàng rào phân luồng giao thông nên không xảy ra ùn tắc hay chen lấn. Phụ huynh chờ con thi được sắp xếp ở nơi thoáng mát, mỗi điểm thi đều bố trí nơi trông giữ xe cho người nhà TS. Tôi thấy nhiều phụ huynh rất phấn khởi với cách tổ chức cho TS thi ngay tại địa phương. Chúng tôi thật sự cảm động khi năm nay có những tổ chức từ thiện đi phát, tặng đồ ăn, thức uống cho TS và người nhà. Là sản phẩm cho, tặng nhưng đều là những thứ đảm bảo cho sức khỏe cũng như an toàn khi sử dụng. Chị Nguyễn Thị Thảo, quận Hà Đông: Phụ huynh và thí sinh đỡ vất vả Ngay từ buổi đầu đến nghe phổ biến quy chế thi hôm 30/6 và đến buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia, bản thân tôi cũng như nhiều phụ huynh rất cảm động, chúng tôi nhận được sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, của lãnh đạo TP Hà Nội, nhà trường (nơi con dự thi), của đội ngũ sinh viên tình nguyện... Đặc biệt, kỳ thi đã giảm áp lực cho hàng triệu TS và người nhà vì không phải lặn lội, vất vả từ xa về TP dự thi, đỡ tốn kém lại không bị áp lực về chỗ ăn, ở… tạo tâm lý rất thoải mái cho con em chúng tôi làm bài thi. Tôi cho đây là kỳ thi với những đổi mới thiết thực, hiệu quả, không gây tốn kém, vất vả cho TS, phụ huynh. Hồng Thủy – Thu Anh |
Thí sinh đặc biệt trong ngày thi cuối cùng Chiều 4/7, tại Hội đồng thi ĐH Thủy lợi tiếp nhận một TS đặc biệt, được chuyển đến từ Bệnh viện Bạch Mai sau ca phẫu thuật cắt ruột thừa và mới tỉnh táo trở lại. Đó là TS Nguyễn Huy Hoàng - học sinh trường THPT Minh Khai, huyện Quốc Oai. Hội đồng thi ĐH Thủy lợi đã cử một êkíp gồm 2 giám thị, một thư ký, một thanh tra thi và một nhân viên y tế cùng công an tham gia giám sát thi trong một phòng thi đặc biệt dành riêng cho TS này. Theo bà Hoàng Thị Thiết - mẹ của Hoàng, sáng sớm ngày 3/7, em đã có triệu chứng đau quặn bụng, gia đình đã đưa Hoàng vào Bệnh viện Bạch Mai khám và theo dõi. Nhưng do có lịch thi môn Hóa học vào chiều 3/7, lại thấy tình hình sức khỏe có vẻ ổn định hơn, nên gia đình đề nghị bệnh viện cho em đi thi. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bài thi môn Hóa học, tình hình sức khỏe của Hoàng diễn biến xấu. Các bác sĩ chẩn đoán em bị đau ruột thừa và phải phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật diễn ra vào sáng sớm ngày 4/7, và Hoàng tỉnh táo trở lại vào 9 giờ sáng cùng ngày. Dù vẫn đang trong giai đoạn theo dõi sau mổ, nhưng Hoàng tha thiết đề nghị được tiếp tục dự thi môn Sinh học vào chiều 4/7. Chính vì vậy gia đình đã đề nghị với Hội đồng thi ĐH Thủy lợi và Bệnh viện Bạch Mai tạo điều kiện cho em được dự môn cuối cùng.(Phạm Hùng) |