Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho Libya

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tối 28/4, Bộ Ngoại giao Tunisia ra tuyên bố cảnh báo hành động leo thang quân sự nguy hiểm giữa các phe phái Libya tại khu vực biên giới giáp Tunisia đã dẫn tới việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh nước này.

KTĐT - Tối 28/4, Bộ Ngoại giao Tunisia ra tuyên bố cảnh báo hành động leo thang quân sự nguy hiểm giữa các phe phái Libya tại khu vực biên giới giáp Tunisia đã dẫn tới việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh nước này.

Ngày 28/4, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đại diện thường trực của Colombia tại Liên hợp quốc, Nestor Osorio cho biết Hội đồng Bảo an một lần nữa kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya và tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn thực sự tại quốc gia này.

Tuyên bố được đưa ra sau các cuộc tham vấn kín trong Hội đồng Bảo an với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Lynn Pascoe.

Trong khi đó, các lực lượng NATO tiếp tục không kích thủ đô Tripoli. Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy ít nhất 5 tiếng nổ khi máy bay NATO bay qua bầu trời thủ đô vào tối 28/4 và sau đó có khói bốc lên từ quận Ain Zara, nơi thường xuyên là mục tiêu tấn công của NATO.

Cùng ngày, lực lượng đối lập tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Dehiba, giáp với Tunisia, sau cuộc giao tranh dữ dội với quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muamar Kaddafi.

Theo các nguồn tin, cuộc giao tranh đã lan sang lãnh thổ Tunisia, khiến cho chính phủ nước này lo ngại.

Tối 28/4, Bộ Ngoại giao Tunisia ra tuyên bố cảnh báo hành động leo thang quân sự nguy hiểm giữa các phe phái Libya tại khu vực biên giới giáp Tunisia đã dẫn tới việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh nước này. Tunisia yêu cầu Libya ngay lập tức thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành động vi phạm nói trên, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và không được gây nguy hiểm trên vùng lãnh thổ Tunisia.

Trong khi đó, bất chấp các quan ngại về nguy cơ bạo lực leo thang tại Libya, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho phe chống chính phủ tại quốc gia Bắc Phi này.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CBS (Mỹ), ông Cameron xác nhận Anh vẫn đang cung cấp các thiết bị hậu cần và tư vấn quân sự cho lực lượng đối lập ở Libya, đồng thời đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc không kích của liên quân.

Trước đó, phát biểu trong một phiên họp nội các, Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng "nước này cần chuẩn bị để tham gia sứ mệnh lâu dài tại Libya.”

Ngày 28/4, máy bay chiến đấu của Italy đã lần đầu tiên thực hiện các vụ không kích nhằm vào Libya. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Italy cho biết "ít nhất hai máy bay chiến đấu Tornado" đã xuất kích từ căn cứ Trapani và đánh trúng "những mục tiêu được lựa chọn" tại Libya. Số máy bay chiến đấu Italy được triển khai để không kích Libya gồm 4 chiếc Tornado và 4 chiếc AV8 Harrier. Ngoài ra, 4 chiếc F-16 cũng đang tham gia tuần tra trên bầu trời Libya, nhưng không thực hiện các vụ tấn công.

Cùng ngày, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo Libya đang đứng trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực trong vòng từ 45 đến 60 ngày tới.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết hiện không đủ lương thực cung cấp cho người dân ở Libya do thiếu nhiên liệu và hoạt động tại bến cảng bị gián đoạn làm hệ thống cung cấp lương thực hầu như bị tê liệt./.