Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khá giả nhờ nghề làm chổi ở Hội Phụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) từ lâu được biết đến với nghề làm chổi. Là nghề phụ cho thu nhập khá, nhưng xu thế đô thị hóa đang khiến nghề làm chổi nơi đây đứng trước nhiều khó khăn.

Học nghề từ thuở lên 5

Hội Phụ giờ đã đổi thay khá nhiều, nhất là từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng về vùng đất ven sông Đuống này. Dọc con đường được bê tông khang trang xuyên qua ngôi làng, nguyên liệu làm chổi được người dân phơi, bày la liệt, từ tre, chít tới rơm rạ. Tại xưởng sản xuất của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, 7 công nhân tất bật với những công đoạn của việc làm ra một chiếc chổi. Gia đình chị Hoa là một trong những hộ sản xuất với số lượng lớn và đa dạng các loại chổi ở làng Hội Phụ. Mỗi ngày,  xưởng của gia đình chị cho ra thị trường khoảng 200 chiếc chổi các loại.
Nghề làm chổi mang lại thu nhập khá cho một bộ phận người dân thôn Hội Phụ.
Nghề làm chổi mang lại thu nhập khá cho một bộ phận người dân thôn Hội Phụ.
Đôi tay vẫn thoăn thoắt bó chổi, chị Hoa kể, ngay từ khi còn là cô bé 5 – 6 tuổi, chị đã được các bà, các mẹ cho làm quen với các công đoạn của việc làm chổi. Đến nay, trẻ em trong làng vẫn phụ giúp bố mẹ làm chổi sau những giờ đến trường. Những chiếc chổi đầu tiên được người dân Hội Phụ sản xuất là chổi rơm, chổi tre. Sau dần, do thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu thị trường, người dân làm thêm cả chổi chít. Chị Hoa cho hay, so với chổi tre, để làm ra một cây chổi chít hay chổi rơm có phần phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Nhưng bù lại, giá bán mỗi chiếc chổi chít, chổi rơm cũng cao hơn.

Ông Chử Đức Thái – Trưởng thôn Hội Phụ cho biết, hiện trong làng có khoảng 60 hộ tham gia làm chổi số lượng lớn. Số người tham gia vào một trong những công đoạn của nghề thì lên tới hàng trăm. Người không có xưởng, đi làm công được trả khoảng 150.000 đồng/ngày. Thu nhập từ nghề làm chổi dẫu chưa cao, nhưng tương đối ổn định. Đặc biệt là có thể tranh thủ làm những khi nông nhàn.

Nỗi lo giữ nghề truyền thống

Được biết, cuối năm 2014, Hội liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã hỗ trợ Hội Phụ nữ huyện Đông Anh, UBND xã Đông Hội thành lập Tổ liên kết làm chổi tre thôn Hội Phụ với 30 thành viên ban đầu. Đồng thời, trang bị cho Tổ 10 xe cải tiến, 10 tấm vải bạt để che đậy nguyên vật liệu. Ban quản lý Tổ liên kết đứng ra thỏa thuận giá cả, ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng nguyên liệu, vật tư nhằm giảm giá thành đầu vào cho bà con.

Bà Chử Thị Mai Anh – Chủ nhiệm Tổ liên kết cho biết, nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm, chính quyền xã cũng có hỗ trợ tiếp thị rộng rãi, ký kết hợp đồng bán chổi cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng… Tuy nhiên, hiện nguyên liệu làm chổi đang ngày một khan hiếm. Người dân trong làng phải thu mua tre, chít từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Giang, Hòa Bình, Điện Biên,... Bên cạnh nguồn nguyên liệu ngày một khó tìm, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm chổi tre, chổi rơm cũng có xu hướng giảm.

Theo ông Đặng Xuân Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hội, nhờ nghề làm chổi, thu nhập của một bộ phận người dân thôn Hội Phụ đã được cải thiện đáng kể, góp phần giúp địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, xã luôn khuyến khích người dân tham gia làm nghề thông qua hỗ trợ vốn sản xuất. Dù vậy, nghề làm chổi ở Hội Phụ cũng đứng trước nhiều nguy cơ khi số lượng lao động theo nghề đang có xu hướng giảm. Đây là điều dễ hiểu, bởi Đông Hội là xã ven đô, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến người dân, nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề làm chổi nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Đây sẽ là bài toán mà chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tìm hướng giải quyết trong thời gian tới, phấn đấu lưu giữ và nâng cao giá trị kinh tế của một nghề truyền thống.