Kinhtedothi - Ngày 7/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàn Kiếm và Ba Đình phát biểu bày tỏ niềm vui mừng về việc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, đạt kết quả hết sức to lớn. Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi, nhiều dự án Luật quan trọng trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình. Ảnh: TTXVN
|
Cử tri đề nghị tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND trong việc phòng chống lãng phí, đầu tư; tăng hiệu quả của đầu tư công; vai trò của người đứng đầu trong quyết định đầu tư; tinh giản biên chế, khuyến khích những người có năng lực được làm việc…
Cử tri Bùi Việt Hùng (phường Quán Thánh - quận Ba Đình) đã nêu bức xúc về tình trạng "công chức cắp ô". "Sau 5 năm thực hiện nghị quyết tinh giản biên chế, số lượng công chức không giảm mà lại tăng; có Bộ tới 9 Thứ trưởng. Số nghỉ hưu toàn quốc hơn 28.000 người, nhưng tuyển mới lại hơn 60.000" - ông Hùng dẫn chứng. Cử tri đề nghị phải có người chịu trách nhiệm về tồn tại trên bởi nếu để như vậy thì đất nước không thể phát triển được. Đồng tình quan điểm này, cử tri Lê Thanh Giang (phường Phúc Xá) còn kiến nghị Quốc hội nên tăng cường giám sát, thậm chí có đạo luật riêng về công tác này.
Cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết và xây dựng của cử tri, Tổng Bí thư nêu rõ: Kỳ họp thứ 6 đã quyết định nhiều nội dung hệ trọng liên quan không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, đặc biệt là thông qua Hiến pháp sửa đổi. Tổng Bí thư cũng đề nghị các cử tri, các cấp, các ngành tuyên truyền sâu rộng, thực hiện và bảo vệ Hiến pháp, đưa các nội dung mới của Hiến pháp vào cuộc sống.
Chia sẻ những trăn trở, băn khoăn, bức xúc của cử tri, đặc biệt là những vấn đề đã lâu chưa được giải quyết, Tổng Bí thư cho rằng, có nhiều khó khăn nảy sinh trong quá trình đất nước phát triển đi lên. Có những vấn đề giải quyết được ngay, nhưng có việc cần có thời gian. Đồng tình với đánh giá bộ máy nhiều cơ quan còn cồng kềnh, biên chế còn cao, Tổng Bí thư nhấn mạnh, biên chế đang phình ra bởi nhiều nguyên do khiến "bộ máy cồng kềnh". Ví dụ Hà Nội đang lo tách huyện Từ Liêm làm 2 quận, biên chế có tăng không? Không tăng, không tách ra thì không được vì quy mô huyện Từ Liêm quá chật. Nhưng tách ra thì bộ máy phải có nhân sự.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận kiến nghị của cử tri về một đạo luật riêng cho công tác cán bộ để khắc phục những bất cập, yếu kém trong công tác này; đồng thời khẳng định Bộ Chính trị đã quyết định từ nay tới năm 2015 - 2016 về cơ bản không được tăng tổng biên chế của cả nước. Và biên chế hàng năm phải do Bộ Chính trị xem xét quyết định trên khung tổng thể. "Nhưng quan trọng là số người làm việc thực sự là bao nhiêu. Một người làm giỏi bằng mấy người lớt phớt láng cháng" - Tổng Bí thư nói.